Kinh tế

Dịch vụ VNPT Nghệ An 'gài bẫy' khách hàng?

Đang dùng các dịch vụ điện thoại bình thường, thậm chí đã hủy gói cước sử dụng internet hàng tháng cho đỡ tốn tiền, nhưng cước điện thoại vẫn tăng lên đột biến vì khách hàng đã bị nhà mạng “bẫy” truy cập dịch vụ GPRS ngoài ý muốn…

Bị “móc túi” mà không biết

Thời gian vừa qua, nhiều thuê bao Vinaphone ở Nghệ An than phiền về việc cước điện thoại của họ bỗng dưng bị tăng đột biến gấp 3-4 lần. Nhiều người vì bận công tác nên mấy tháng sau khi đến Trung tâm kinh doanh VNPT Nghệ An (cung cấp dịch vụ mạng Vinaphone) hỏi thì được biết máy điện thoại đã tự động truy cập gói cước GPRS!

Điều đáng nói là trong quá trình khách hàng bị tính tiền truy cập GPRS tăng đột biến này, họ không hề nhận được sự tư vấn của nhân viên thu tiền điện thoại hàng tháng hay từ nhà mạng.

Một đồng nghiệp của chúng tôi cho biết, trước đây thuê bao Vinaphone của anh có đăng ký dịch vụ internet với gói cước 70.000 đồng/tháng. Sau khi có mạng 4G, anh đã hỏi nhân viên thu tiền về cách hủy dịch vụ này để chuyển sang dùng mạng 4G, anh được nhân viên tư vấn nhắn tin “huy max” gửi tới số 888 để hủy gói cước này.

Vừa có sim 4G truy cập intetnet nhanh thuận lợi hơn dùng gói 70 nghìn trước đây và về nhà hay đến cơ quan, quán cà phê đều có sóng wifi nên anh đều cảm thấy thoải mái và thuận tiện khi đọc báo, xem facebook trên điện thoại của mình.

Tháng đầu, số tiền thanh toán của anh vẫn bình thường, thậm chí còn bớt đi 70 nghìn tiền truy cập gói cước internet trước đây, nhưng khoảng 2 tháng sau, anh bất ngờ khi nhận được tin nhắn thanh toán cước của nhà mạng là thuê bao của anh phải trả tiền gấp 3 lần so với tháng trước, nhưng không rõ nguyên nhân.

Cất công tìm đến Trung tâm kinh doanh VNPT Nghệ An ở số 1 Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, anh được nhân viên ở đây cho biết: mức cước tăng đột biến là do máy điện thoại của anh đã tự động truy cập dữ liệu GPRS, trên 500 nghìn đồng/tháng. Kiểm tra tiếp, chỉ trong vòng hơn 10 ngày của tháng 11/2017, anh cũng đã mất trên 500 nghìn đồng cước truy cập GPRS!

Trung tâm kinh doanh VNPT Nghệ An - nơi cung cấp dịch vụ Vinaphone. Ảnh: Đức Dũng

Khi hỏi nhân viên tư vấn ở đây tại sao mình đã hủy gói cước truy cập internet 70 nghìn/tháng rồi vẫn bị tính tiền truy cập ineternet, thì nhân viên này cho biết, nếu khách hàng hủy gói cước 70 nghìn/tháng rồi thì nhà mạng sẽ tự động chuyển sang gói cước GPRS tính tiền theo dung lượng sử dụng. Nếu không muốn sử dụng GPRS thì khách hàng phải nhắn tin hủy dịch vụ này.

Điều đáng nói là trên thực tế, trong quá trình sử dụng hầu như không có khách hàng nào được tư vấn việc nhắn tin hủy dịch vụ GPRS, mà chỉ đến khi thấy cước điện thoại bị tăng đột biến vì máy tự động truy cập GPRS, đến tận đại lý của VNPT hỏi thì mới biết cách hủy dịch vụ này.

Ngoài việc không tư vấn cho khách hàng sử dụng điện thoại di động về cách ngừng sử dụng dịch vụ GPRS khi đã cắt các gói cước internet thuê bao hàng tháng, để khách hàng khỏi mất tiền oan, VNPT còn “bẫy” khách hàng bằng cách tự động truy cập gói cước GPRS giá cao nhất, bởi trong khi gói truy cập bình thường của Vinaphone chỉ có 70 nghìn đồng/tháng, nhưng nếu khách hàng vô tình để truy cập tự động GPRS trong vài ngày là có thể mất hàng trăm nghìn đồng, mặc dù chất lượng dịch vụ không bằng gói cước 70 nghìn/tháng.

Như trường hợp đồng nghiệp chúng tôi bức xúc vì ở nhà, ở cơ quan anh đều sử dụng mạng wifi, anh cũng chỉ dùng điện thoại để đọc báo, facebook, nhưng không hiểu bằng cách nào mà VNPT Nghệ An lại tính cước cho anh chỉ hơn 10 ngày mà đã lên đến hơn 500 nghìn đồng tiền truy cập dịch vụ GPRS, đắt gấp hàng chục lần so với gói cước 70 nghìn đồng/tháng, trong khi anh không hề biết mình dùng dịch vụ GPRS lúc nào!

Khách hàng phải tự bảo vệ mình

Trao đổi với nhân viên kỹ thuật một đại lý bán điện thoại, anh này cho biết, đáng lẽ ra khi khách hàng sử dụng các dịch vụ của mình, các nhà mạng (trong trường hợp này là VNPT Nghệ An - nơi cung cấp dịch vụ Vinaphone) phải tư vấn cụ thể cho khách hàng. Đặc biệt là các dịch vụ có tính chất tự động truy cập như GPRS với mức giá cao như vậy thì nhà mạng phải khuyến cáo khách hàng, chứ không thể theo kiểu “bẫy” khách hàng như vậy được.

Không chỉ bị “móc túi” oan vì bị “tự động” dùng dịch vụ GPRS với gói cước đắt nhất, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn biết, hàng ngàn người dùng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh ta đang ngày đêm bị móc túi bởi các tin nhắn quảng cáo. Khi mở xem tin nhắn này, khách hàng có thể ngay lập tức bị mất hàng chục ngàn đồng vì nó sẽ tự động gửi tin nhắn hoặc tự động dùng dịch vụ GPRS truy cập mạng, tải và gửi dữ liệu!

Bảng tính cước truy cập GPRS ngoài ý muốn của một khách hàng Vinaphone. Ảnh: Đức Dũng

Nhưng cũng rất ít người biết mình bị mất tiền oan kiểu này, bởi chỉ người nào dùng thuê bao trả sau, thấy trong một tháng nào đó tự nhiên bị “đội” cước thanh toán lên quá cao, cất công đi tìm hiểu thì mới biết mình đã bị “móc túi” từ lúc nào mà không hay và khi đó mới vội vàng tìm cách để ngăn chặn kiểu “móc túi” này.

Nhiều người cho biết, khi xảy ra thắc mắc, khiếu nại, khách hàng khẳng định rằng họ không hề thực hiện việc đăng ký dịch vụ trong khi nhà mạng thì thường bao biện rằng có thể khách hàng đã vô tình thực hiện thao tác dẫn đến việc kích hoạt dịch vụ. Nếu vậy, đây thực chất là mánh lới gài bẫy khách hàng nếu so sánh với các nhà cung cấp dịch vụ như Yahoo, Gmail, Facebook…, khách hàng phải thực hiện hàng loạt thao tác cùng cam kết trước khi sử dụng dịch vụ của họ.

Chuyện khách hàng “bỗng nhiên” bị “móc túi” không phải bây giờ mới xảy ra, đầu năm 2012, anh B.T.C - Giám đốc Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt-Lào sau một chuyến công tác nước ngoài về thì nhận được thông báo trả tiền cước điện thoại trong một tháng lên đến gần 30 triệu đồng! Khi hỏi ra thì mới biết, máy điện thoại của anh đã “tự động” dùng dịch vụ GPRS chuyển vùng quốc tế! Thương lượng mãi, cuối cùng trên giấy tờ, Viễn thông chấp nhận giảm bớt cho anh 5 triệu đồng vì anh là khách hàng truyền thống. Khách hàng này cho biết, họ chấp nhận giảm cho anh vì lỗi không tư vấn dịch vụ cho anh!

Việc khách hàng bị “móc túi” oan đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng với sự “mập mờ”, sự thiếu chuyên nghiệp của các nhà mạng, sẽ còn có nhiều khách hàng vô tình sử dụng dịch vụ GPRS hay tin nhắn quảng cáo và trở thành “miếng mồi ngon”, mất oan hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu nếu như đi công tác ở nước ngoài.

Hiện nay trên thị trường hầu như các điện thoại do các hãng iPhone, HTC, Samsung, Nokia… cung cấp đều là smartphone, các điện thoại này thường được cài đặt mặc định chế độ mở truy cập dữ liệu GPRS. Để không bị mất tiền oan uổng và chuốc thêm bực tức cho mình, người sử dụng điện thoại di động nên nắm rõ cú pháp kiểm tra dịch vụ của mỗi mạng điện thoại di động mà mình dùng để thường xuyên tra cứu và hủy kịp thời những dịch vụ mà mình không đăng ký sử dụng.

Trước thực trạng trên, đại diện VNPT Nghệ An khuyến cáo: Nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ internet trên di động, khách hàng nên hủy gói cước bằng cách soạn tin [tên gói] OFF gửi 888 và tắt dịch vụ bằng cách soạn tin GPRS OFF gửi 888.

Hiện nay một số điện thoại di động thông minh có chức năng tự động đăng kí dịch vụ 3G/4G cho khách hàng khi người dùng bật truy cập dữ liệu trên di động, nên để đảm bảo không phát sinh cước phí ngoài ý muốn, khách hàng tuyệt đối không nên bật chức năng truy cập dữ liệu trên điện thoại của mình (thường có trong mục cài đặt của điện thoại). Khách hàng dùng dịch vụ có thể liên hệ với tổng đài 9191 của Vinaphone để được hướng dẫn chi tiết.

Tác giả: Đức Nghĩa

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok