Người dân mua thực phẩm cạnh một rào chắn được thiết lập để ngăn ngừa dịch Covid-19 tại một khu dân cư ở thủ đô Phnom Penh (Ảnh: AFP). |
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần của chính phủ Campuchia nhằm đối phó với làn sóng Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh đã khiến hàng nghìn lao động ngành may mặc, những người bán hàng ven đường và những người khác vốn phải kiểm sống từng ngày lâm vào cảnh thiếu thốn thực phẩm trầm trọng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công bố các lệnh phong tỏa hôm 14/4, vốn chỉ cho phép những người hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu được phép rời khỏi nhà đi làm, và các gia đình chỉ được phép đi chợ 3 lần một tuần. Ít ngày sau đó, chính phủ tuyên bố 4 khu dân cư và 3 ngôi làng là "vùng đỏ", nơi người dân bị cấm ra khỏi nhà trừ lý do y tế.
Đến ngày 24/4, thành phố Phnom Penh yêu cầu đóng cửa tất cả các khu chợ công trong 2 tuần, càng khiến việc tiếp cận thực phẩm của người dân trở nên khó khăn.
Công nhân may mặc Sopheap, 35 tuổi, đã bị cách ly từ ngày 9/4 sau khi các hàng xóm của cô trong cùng khu nhà trọ có kết quả xét nghiệm dương tính. Cô đã nhận được một phần lương và một khoản hỗ trợ nhỏ trong khi bị cách ly nhưng giờ đây không thể ra ngoài để mua thực phẩm tươi vì khu nhà của cô đã thuộc diện "vùng đỏ".
Điều đó có nghĩa cô chỉ có thể ăn cơm và nước tương trong 4 ngày liên tiếp, thỉnh thoảng thêm trứng.
"Thực phẩm như vậy không đủ năng lượng, và tôi cũng không thể rời khỏi phòng ra ngoài hít thở không khí. Căn phòng của tôi quá nhỏ. Điều đó khiến tôi phát điên", Sopheap nói.
Các cảnh sát có vũ trang liên tục tuần tra khu nhà của Sopheap. Một số cảnh sát đã tịch thu hàng hóa của những người bán hàng ven đường tự phát bên trong các vùng đỏ, trong khi nông dân ở các khu vực ngoại ô phàn nàn rằng rau quả của họ bị hỏng do người bán hàng không tiêu thụ được sản phẩm.
Chính phủ ban đầu phân phát gạo, mì ăn liền, cá đóng hộp và nước sốt nhưng nhanh chóng chuyển sang hình thức bán các sản phẩm do giới chức nói rằng chính phủ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của các gia đình.
Trong khi đó, số người đề nghị trợ giúp lương thực đang tăng lên. Hơn 48.000 người đã tham gia một nhóm chat trên mạng xã hội Telegram, vốn được thành phố Phnom Penh thiết lập để hỗ trợ những người xin viện trợ lương thực khẩn cấp. Một người cho biết hôm 23/4 rằng: "Tôi đã đề nghị trợ giúp 5 ngày trước và vẫn chưa nhận được gì cả".
Người đứng đầu một khu dân cư trong "vùng đỏ" cho biết họ đã hết cá đóng hộp, nước sốt để phân phát cho người dân, hiện chỉ còn gạo và nước uống đóng chai.
Một đại diện của Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho hay họ chưa nắm rõ mức độ thiếu lương thực ở các vùng đỏ do thiếu tiếp cận thực tế và các chính sách thay đổi liên tục của chính phủ.
Chính phủ Campuchia hôm 24/4 đã yêu cầu hàng chục nghìn người sống trong các vùng đỏ ở thủ đô Phnom Penh phải xét nghiệm Covid-19, nhưng không nói rõ họ nên làm thế nào.
Biện pháp phản ứng của chính phủ "vượt ngoài tầm kiểm soát", đại diện một nhóm ủng hộ người lao động cho biết, nhấn mạnh rằng các nhà máy may và các khu nhà trọ đông đúc từ lâu được xem là có nguy cơ lây nhiễm cao. Người này cho rằng việc các cư dân sống trong vùng đỏ bị cách ly tại các không gian sống chật hẹp không có tác dụng gì, và rằng chính phủ đã chậm chạp trong việc đối phó với hình tình.
Virus lây lan nhanh
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất bắt đầu vào cuối tháng 2, khi 2 công dân Trung Quốc trốn cách ly. Trước đó, Campuchia ghi nhận số ca mắc tương đối ít. Nhưng tới ngày 25/4, tổng số ca mắc đã lên tới 9.975, với 616 ca trong một ngày. Số người chết ngày 25/4 cũng tăng thêm 3, lên 74 trường hợp.
Làn sóng lây nhiễm mới đã tác động mạnh tới ngành may mặc, khiến tất cả các nhà máy tại khu vực Phnom Pênh phải đóng cửa.
Din Han Enterprise, một hãng sản xuất cho Adidas và là một trong những điểm nóng trong đợt bùng phát lần này với hơn 500 ca nhiễm, tọa lạc tại một khu công nghiệp có nhiều nhà máy và virus đã nhanh chóng lan ra các khu vực xung quanh.
Một quan chức công đoàn địa phương hồi tuần trước đã kêu gọi các công nhân tại nhà máy New Orient đi xét nghiệm sau khi hơn 20 người bị nhiễm virus.
"Trong nhà máy, chúng tôi không có quy chuẩn về giãn cách xã hội, vì không có khoảng trống bên trong", quan chức trên cho biết, nói thêm rằng các công nhân thường sống tập trung cùng nhau, khiến việc lây nhiễm trở nên dễ dàng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Campuchia Ath Thorn cảnh báo rằng giai đoạn trả lương 2 tuần tiếp theo đang đến gần và hầu hết mọi người sẽ không thể nhận tiền nếu không ra khỏi nhà.
Bộ Lao động và Hiệp hội các hãng sản xuất dệt may Campuchia đã kêu gọi các nhà máy hỗ trợ phần nào tài chính cho các lao động, mặc dù ông Thorn cho biết điều này là không bắt buộc. Nhưng ông Thorn cho rằng, chính phủ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho những người đang gặp khó khăn.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí