Trong nước

Địa phương trả siêu xe cho DN: Chặn 'bệnh'...'chân giò-chai rượu'

Doanh nghiệp tặng xe sang cho lãnh tại đạo ở nhiều địa phương dấy lên nhiều nghi ngại về những lợi ích không trong sáng. Thủ tướng đã chỉ đạo làm rõ nhiều địa phương đã trả lại xe.

>>Đà Nẵng trả xe đắt tiền doanh nghiệp tặng sau chỉ đạo của Thủ tướng

Doanh nghiệp tặng xe sang cho lãnh đạo ở nhiều địa phương thời gian qua trở thành một vấn đề nóng với những dư luận trái chiều.

Theo đó, báo chí phản ánh thông tin, chính quyền tỉnh Cà Mau đã nhận 2 xe hiệu Lexus, Văn phòng Tỉnh ủy Đà Nẵng nhận 1 xe.

tra xe doanh nghiep tang da nang 1488600739
Chiếc xe công vụ đưa đón Bí thư Đà Nẵng sẽ được trả lại doanh nghiệp.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào ngày 1/3 vừa qua, Thủ tướng đã giao 3 bộ, ngành vào cuộc làm rõ việc doanh nghiệp tặng xe cho địa phương, đó là: Bộ Tài chính, bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo “từ nay các địa phương không nhận ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng”. Sau chỉ đạo này, lần lượt: UBND tỉnh Cà Mau và sau đó là Thành uỷ Đà Nẵng đã có động thái trả lại xe ô tô của các doanh nghiệp tặng.

Câu chuyện này đặt ra một vấn đề, đã có bao nhiêu địa phương nhận xe của doanh nghiệp biếu, tặng? Những địa phương này có nên chủ động báo cáo và trả lại xe được biếu tặng trước mệnh lệnh dứt khoát của người đứng đầu Chính phủ?

PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với ĐBQH Ngô Thanh Danh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông để làm rõ hơn vấn đề này.

doanh nghiep tang xe ngo thanh danh dak nong 1488600784
ĐBQH Ngô Thanh Danh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội.

Thưa ông, thời gian qua, nhiều chiếc xe do doanh nghiệp tặng cơ quan Nhà nước đã gây dư luận không tốt cho rằng, việc biếu, tặng đa phần có mục đích không trong sáng. Ông suy nghĩ ra sao trước vấn đề thời sự này?

Tôi nghĩ dư luận có lý đúng. Việc biếu và tặng quà là điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Nhưng yếu tố làm nên sự bất minh trong câu chuyện bình thường ấy chính là đặt lợi ích nhóm vào trong hành động biếu, tặng.

Trên thực tế, cuộc sống giữa con người với con người, biếu hay tặng đều hết sức bình thường. Quan trọng là trong hành động biếu, tặng có vấn đề gì không.

Hơn nữa, con người còn có thể cho tặng nhau cả nội tạng của mình để cứu sống người khác, chứ nói gì đến đồ vật. Tại sao không thể cho, tặng, biếu? Nhưng vấn đề là cho, tặng, biếu phải hợp lý.

Đúng như ông nói, việc biếu, tặng sẽ không có vấn đề gì nếu động cơ trong sáng và không đi kèm lợi ích nhóm hậu biếu, tặng. Kiểm soát vấn đề này trên thực tế có khó?

Người không quen biết, thân thiết mà biếu, tặng nhau những vật giá trị thì đương nhiên dư luận sẽ dễ dàng đặt câu hỏi. Nhưng nếu một tỉnh, một địa phương có ý định từ trước, báo cáo những khó khăn để được nhận sự biếu, tặng một cách đúng quy định, được xem xét và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Nhưng nếu biếu, tặng theo kiểu: “Tôi tặng anh, anh phải có cái gì đó đáp lại tôi” thì bản chất biếu, tặng đã bị bóp méo với động cơ không trong sáng.

Trên thực tế, có câu chuyện khi doanh nghiệp biếu, tặng cơ quan công quyền một vật gì đó thì mong đợi sự đáp lại bằng cơ chế, chính sách hoặc được ưu ái nhất định. Đây là một tiêu cực khó định lượng. Tôi nghĩ cần có cơ chế kiểm soát vấn đề này.

Thêm nữa, cũng cần công khai cơ chế quản lý chặt chẽ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước khi nhận quà tặng. Kiểm soát đằng sau chuyện biếu, tặng mới là vấn đề cần thiết.

Vừa qua tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ ngày 1/3, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không nhận xe do doanh nghiệp tặng. Ông có kỳ vọng gì vào việc chấm dứt tình trạng doanh nghiệp này tặng được, doanh nghiệp khác cũng muốn tặng, hình thành trào lưu biếu, tặng khó kiểm soát như thời gian qua?

Tôi thống nhất cao và hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng xin được nói như thế này, nếu như việc biếu, tặng với tính chất tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi địa phương còn nghèo hoặc không đủ kinh phí và hoàn toàn là mục đích trong sáng thì tôi nghĩ là vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu có lợi ích nhóm hoặc tặng cái này, mong đợi cái khác theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” là không thể chấp nhận được.

Đó là sự thiếu minh bạch, là động cơ không trong sáng. Không nên để những cơ chế biếu, tặng kiểu như vậy tồn tại. Như thế, chính doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đã tự tạo ra cơ chế không trong sạch.

Thiết nghĩ, cũng nên có cơ chế để tạo điều kiện cho địa phương phát triển. Nhưng quan trọng là phải đúng tiêu chuẩn, đúng quy định. Tặng quà quá giá trị cũng không nên.

Vậy theo ông, sau chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương có cần rà soát đồng bộ, thống kê các loại xe đã từng được doanh nghiệp tặng để trả lại?

Đúng quá, cần rà soát, báo cáo nghiêm túc. Nếu như cho tặng sai quy định, động cơ không minh bạch thì phải có hình thức xử lý, chủ động trả xe lại cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tặng xe sang cho lãnh đạo địa phương là điều dễ khiến dư luận nghi ngại. Nhưng tôi vẫn muốn nói rằng, nếu hợp tình hợp lý thì Chính phủ cũng nên tạo điều kiện. Cần kiểm tra chặt chẽ nếu thấy động cơ không trong sáng. Hoặc nếu có vấn đề lợi ích nhóm mà đủ điều kiện nhận xe của doanh nghiệp tặng thì cũng không nên nhận.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Tác giả bài viết: Dương Thu (thực hiện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok