Thế giới

"Di sản Obama" sẽ hao hụt những gì?

Một vài chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia quan trọng của ông Barack Obama có thể sẽ không được tiếp tục với tân tổng thống Mỹ, kể cả trong trường hợp bà Hillary Clinton chiến thắng.

Tổng thống Barack Obama phát biểu trong một sự kiện tại bang Maryland vào cuối tháng 9-2013 - Ảnh: Reuters


Với chưa đầy ba tháng còn lại trong Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama sẽ sớm “đóng gói” di sản đối ngoại và trao quyền phán xét lại cho lịch sử.

Nhưng trước khi điều đó xảy ra, Nhà Trắng đang chạy nước rút với hy vọng hoàn thành và củng cố thêm một số chính sách quan trọng. Đây là những chính sách ông Obama hiểu rõ bà Clinton sẽ không có đủ tiềm lực chính trị để thực hiện nếu thắng cử (trường hợp ông Donald Trump thắng thì rõ ràng không cần bàn).

Tạp chí Foreign Policy nhận định phần lớn “di sản Obama” đang đặt cược vào canh bạc này.

Lời hứa chưa tròn

Cách đây tám năm xuất hiện một vị thượng nghị sĩ đến từ bang Illinois. Ông ấy đặt chân vào Nhà Trắng với lời hứa sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh đẫm máu và chính sách chống khủng bố của người tiền nhiệm George W. Bush.

Tám năm trôi qua, 8.400 binh sĩ Mỹ vẫn còn mắc kẹt ở Afghanistan và 5.000 người khác ở Iraq. Trên vùng trời Syria, Libya, Yemen và Somalia, máy bay Mỹ vẫn thường xuyên quần đảo tìm kiếm mục tiêu khủng bố. Bức tranh chung là các cuộc chiến hậu 11-9 của Mỹ chưa có cái nào chấm dứt.

Khai tử chương trình tra tấn nghi phạm khủng bố của CIA là điều ông Obama đã làm từ sớm, nhưng sau từng ấy năm, sự tồn tại của nhà tù quân sự Mỹ ở Vịnh Guantánamo (Cuba) vẫn là lời nhắc nhở cay đắng về một lời hứa chưa trọn vẹn.

Bên cạnh đó, những thành tựu lớn được ca ngợi của ông Obama như thỏa thuận hạt nhân Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba… có nguy cơ “chết” trong tay người kế nhiệm ông hoặc Quốc hội Mỹ.

Tuần trước, vài ngày trước khi Ngoại trưởng John Kerry được trao giải thưởng hòa bình ở Ireland vì thành quả thỏa thuận hạt nhân Iran, phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ công bố kế hoạch thông qua dự luật áp lệnh cấm vận lên Iran thêm 10 năm - động thái có thể phá hủy tất cả cải thiện trong quan hệ với Tehran. “Thỏa thuận Iran sẽ gặp nguy bất kể ai sẽ trở thành tổng thống mới ở Mỹ” - ông James Carafano, chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc tổ chức Heritage Foundation, nhận định.

Có ý kiến khác cho rằng một trong những khía cạnh bị đánh giá thấp của “di sản Obama” - sự hồi phục vị thế của Mỹ trên thế giới hậu George W. Bush - là thứ có lẽ đang gặp nguy hiểm nhất. “Tại châu Âu, Mỹ từng bị xem là một quốc gia bất hảo không tôn trong luật pháp và coi thường đồng minh. Ông Obama đã thay đổi nhận thức đó rất sớm trong nhiệm kỳ của mình, đến nỗi chúng ta suýt quên là nó đã xảy ra” - ông Jeremy Shapiro, giám đốc tổ chức Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, nêu ý kiến.

TPP có nguy cơ ra đi

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một phần quan trọng khác trong di sản Obama cũng đang bị đe dọa. TPP cùng với Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu là hai trụ cột của di sản ngoại thương Obama.

Nhà Trắng xem TPP - khu vực tự do mậu dịch khổng lồ với sự tham gia của 12 quốc gia Thái Bình Dương - là rất quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, đồng thời hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Hiệp định này hiện chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và đang vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.

Các lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ từ lâu đã cảnh báo ông Obama rằng TPP sẽ “tiêu tùng” sau ngày bầu cử tổng thống. Cả bà Clinton và ông Trump đều tuyên bố không chấp nhận TPP. Nhưng ông Obama chưa từ bỏ hy vọng. Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Obama có kế hoạch dùng chuyến công du đến Peru ngày 18 và 20-11 sắp tới để vận động thêm sự ủng hộ dành cho TPP. May mắn là thứ ông Obama sẽ phải cần đến rất nhiều.

Bên cạnh đó, TPP cũng không phải là mối bận tâm duy nhất của vị tổng thống sắp mãn nhiệm. Bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, củng cố chính sách chống khủng bố, chống tra tấn, sửa đổi đạo luật 11-9 cho phép dân Mỹ kiện Saudi Arabia… là những ưu tiên cỷa ông Obama trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại.

Quyền hành pháp trong tay tổng thống Mỹ rất lớn, bản thân ông Obama có lẽ cũng nhận ra những gì ông kiên trì gầy dựng có thể thay đổi một khi ông ra đi.

“Tổng thống Barack Obama thường nói ông thích để cho các sử gia đánh giá di sản của mình, nhưng song song đó ông lại đi vận động trên khắp cả nước cho bà Hillary Clinton. Bằng cách này, ông Obama kỳ vọng tám năm cầm quyền của mình sẽ còn được ghi nhớ” - Đài CBS của Mỹ bình luận.

Tổng thống Obama vui vẻ với cử tri nhí của đảng Dân chủ trong sự kiện vận động cho bà Hillary Clinton tại TP Charlotte, bang North Carolina, ngày 4-11 - Ảnh: Reuters

Tác giả bài viết: Minh Trung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok