Khoa Cấp cứu, BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cho biết, trong những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, rất nhiều bệnh nhân bị say nóng, sốc nhiệt được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có trường hợp nam thanh niên 20 tuổi từ Quảng Ninh chuyển lên rất nặng.
Bệnh nhân đi bộ khoảng 4 km dưới trời nắng, sau đó thấy mồ hôi túa ra, mệt lả, tay chân co quắp, ý thức chậm dần rồi rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào BV đa khoa Đông Triều, Quảng Ninh cấp cứu khi sốt cao trên 41 độ C.
Do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được mở nội khí quản, đặt máy thở, hạ thân nhiệt trước khi chuyển lên BV 108.
Một nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt, chuyển vào BV 108 cấp cứu những ngày qua |
Trao đổi với VietNamNet, BS Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, BV 108 cho biết, khi chuyển lên, bệnh nhân trong tình trạng khá nguy kịch, được chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy kết hợp lọc máu, thở máy.
Sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tự thở được, tỉnh táo, được chuyển về tuyến dưới tiếp tục tập phục hồi chức năng. Riêng di chứng thần kinh, sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.
Theo BS Uyển, say nóng, sốc nhiệt xảy ra giữa trời nắng nóng do rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt dẫn đến những rối loạn bệnh lý khác.
Say nóng, sốc nhiệt cũng có nguy cơ gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40 độ C do người lao động làm việc ở nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém.
Các biểu hiện say nóng bao gồm khát nước, đỏ da, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thở nhanh… Nếu say nóng không được kiểm soát, sơ cứu kịp thời có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Sốc nhiệt thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong.
Sốc nhiệt thường xảy ra khi môi trường cao trên 40 độ C, kèm theo hoặc không kèm theo nắng gắt kéo dài liên tục. Khi bị sốc nhiệt, thân nhiệt có thể lên trên 41 độ C, da khô nóng, choáng váng, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê…
Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí cấp cứu tại chỗ nếu không bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị tổn thương não, tim, thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đái ra máu, ỉa ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Giờ vàng cấp cứu trong 1 tiếng đầu tiên
BS Uyển nhấn mạnh, thời gian vàng để cấp cứu người bị say nóng, sốc nhiệt là trong 1 giờ đầu tiên. Nếu kịp thời cấp cứu trong khoảng thời gian này, hiệu quả gần như đạt 100%.
Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong. Chính vì vậy, trong cấp cứu say nóng, sốc nhiệt phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Bằng mọi biện pháp phải hạ nhanh nhiệt độ cơ thể trong những phút đầu tiên. Đây là điều kiện tiên quyết để bệnh nhân thoát tử vong.
Chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến sau hoặc chuyển tới cơ sở hồi sức cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp cấp cứu ban đầu không hiệu quả, không cải thiện nhanh về lâm sàng. Chú ý trên đường vận chuyển vẫn phải duy trì các biện pháp cấp cứu cơ bản, trong đó lưu ý các biện pháp hạ thân nhiệt.
Khi phát hiện bệnh nhân bị say nóng, sốc nhiệt, việc đầu tiên là đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, rồi gọi cấp cứu.
Trong lúc chờ xe cấp cứu, kiểm tra đường thở bệnh nhân, nếu bệnh nhân ngừng thở, phải thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.
Phải áp dụng các biện pháp làm mát cho bệnh nhân càng sớm càng tốt để hạ nhiệt độ cơ thể như cởi bỏ bớt quần áo, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng rồi áp nước lên người bệnh nhân và bật quạt để tăng quá trình bốc hơi.
Sau đó dùng khăn lạnh hoặc gói nước đá đắp vào nách, bẹn, cổ… nơi có các mạch lớn. Nếu bệnh nhân còn tỉnh, cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải.
Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ cho bệnh nhân.
Để tránh bị say nóng, sốc nhiệt, những người lao động ngoài trời cần chú ý mặc đồ chống nắng, bảo hộ đầy đủ. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet