Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc cầu treo như thế này tại Kon Tum.
Ngục Kon Tum: Từ đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, đi về hướng tây nam khoảng 1 km, bạn sẽ bắt gặp di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum. Nhà ngục do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ tù chính trị, các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ 1930-1931. Quần thể di tích này gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm tượng đài Bất khuất và hai ngôi mộ tập thể.
Chùa Bắc Ái được khởi công xây dựng vào năm 1932. Vật liệu xây dựng chùa chủ yếu là mầm trỉ, mè tre, vách đất. Dưới thời vua Bảo Đại, chùa được sắc phong Sắc tứ Bác ái tự, và tặng đôi câu đối: "Kon Tum thắng cảnh Đại Nam nhất thống dĩ lai - Bác Ái danh lam Bảo Đại bát niêm y thỉ".
Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum, được xây dựng vào năm 1935. Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây với kiến trúc bản địa truyền thống. Tòa giám mục được xây dựng bằng các loại gỗ quý, có độ bền cao với thời gian. Điểm nhấn của công trình là căn nhà truyền thống, một bảo tàng thu nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn.
Nhà thờ Gỗ như viên ngọc đen giữa bầu trời.
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum hay còn gọi nhà thờ Gỗ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913. Công trình được xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana.
Cầu treo Kon Klor (làng văn hoa Kon K'tu) nối liền hai bờ của dòng Đăkbla. Đứng giữa cầu, du khách sẽ nhìn thấy làng mạc, những bãi mía, ruộng ngô, đồng lúa. Bên cạnh cầu treo là nhà rông văn hóa thuộc phường Thắng Lợi, Nhà rông văn hóa truyền thống lớn nhất Tây Nguyên.
Làng Kon K’Tu cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8 km về phía đông. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ. Hiện nay, dân làng vẫn duy trì được những đội cồng chiêng, đội múa Xoang. Làng vẫn giữ nguyên vẹn lễ hội truyền thống.
Một góc Măng Đen.
KDL sinh thái Măng Đen nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen và đèo Viôlắk (Quảng Ngãi). Khu vực này còn nguyên sinh, diện tích rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên.
Cột mốc biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam: Ngã ba Đông Dương không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ mà nơi này ngày nay đang trở nên hấp dẫn du khách trên hành trình thăm Kon Tum - cực bắc Tây Nguyên Việt Nam.
Phương tiện giao thông
Các bạn có thể đến Kon Tum bằng đường bộ, đường hàng không hay phương tiện cá nhân.
Ở đâu
Khu vực trung tâm Kon Tum gồm các tuyến đường Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân… 2 cái tên thường được dân du lịch bụi chọn với lý do giá rẻ, an ninh là khách sạn Đông Dương - Indochina và nhà khách của Tỉnh Ủy ở đường Quang trung.
Gỏi lá có hơn 30 loại rau, lá rừng.
Ăn gì
Ngoài các món ăn đặc trưng của Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng, cá suối, rau rừng, thịt rừng…, một món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến Kon Tum là món gỏi lá, phở khô, xôi đêm.
Mang gì khi đến Kon Tum
Bất kỳ trang phục, giày dép nào bạn thích. Ngoài ra, nên mang theo áo khoác nhẹ vì khí hậu ở đây khá lạnh.
Tác giả bài viết: Linh San Ảnh: Hồ Vĩnh Thắng