Giáo dục

"Đến lúc thi sử phải cho học sinh tra Google"

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho rằng, cách dạy và học lịch sử hiện nay đang bắt học sinh ghi nhớ quá nhiều khiến học sinh ghét môn học này.


20160916122757 img 9503
GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

- Thưa GS Vũ Minh Giang, với phương án thi trắc nghiệm môn Lịch sử trong bài thi Khoa học xã hội của kỳ thi THPT quốc gia 2017, đã có ý kiến lo ngại rằng làm như vậy sẽ "xét nát" môn Lịch sử và học sinh sẽ học để đối phó, sau khi ra khỏi phòng thi sẽ quên ngay. Ý kiến của ông về vấn đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử như thế nào?

- Trắc nghiệm hay tự luận chỉ là các hình thức thi. Điều này không quan trọng lắm. Quan trọng là đề thi hỏi cái gì. Tức là nội dung bài thi mới quan trọng.

Ở đây có 2 cách tiệp cận: Một là đề thi kiểm tra kiến thức, tôi cho rằng đã lạc hậu. Một cách tiếp cận khác là không hỏi kiểu kiểm tra kiến thức mà hỏi để đánh giá năng lực tư duy, phân tích, tổng hợp của người học.

Trong trường hợp này, những môn như Sử, Địa học sinh sẽ không còn bị "truy" những kiến thức cụ thể mà chỉ sử dụng kiến thức phổ thông căn bản để trả lời câu hỏi được đặt ra, từ đó đo được năng lực của thí sinh.

Với phương án thi trắc nghiệm môn Lịch sử năm nay, tôi đánh giá đây là sự thay đổi tích cực.

Phương án thi này sẽ không bắt học sinh trình bày cái này, diễn biến cái kia mà cho biết tất cả sự kiện xảy ra trong thời gian đó và hỏi học sinh về khuynh hướng của sự kiện đó. Học sinh chỉ cần chú ý nghe thầy giáo giảng bài trên lớp, hiểu được vấn đề sẽ làm được.

Hiện nay, học sinh không nhớ sự kiện lịch sử là do cách ta làm, ta dạy khiến học sinh không yêu môn Lịch sử. Chính vì bắt học nhớ nhiều quá nên học sinh không yêu.

Do đó, quan trọng không phải là tìm cách nào để học sinh nhớ nhiều. Trong tương lai khi đổi mới căn bản toàn diện GD trong đó có môn Lịch sử phải thay đổi theo hướng dạy học sinh kỹ năng, kích thích sự tìm tòi của học sinh.

Với ý nghĩa đó không nên lo thi trắc nghiệm kiến thức bị vụn ra. Đừng nghĩ rằng chúng ta phải dạy một bài hoành tráng thi cho học sinh nhớ để đi thi mới là tốt.

Đến một lúc nào đó thi Lịch sử cũng phải cho phép sử những phương tiện tra cứu như Google.

Nhưng câu hỏi của đề thi lúc đó không phải là hỏi cái này là gì mà phải hỏi những suy luận, phán đoán của chính học sinh về vấn đề, sự kiện đó.

- Theo phương án của Bộ GD-ĐT thì môn Lịch sử sẽ đưa vào bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Vậy dạng đề thi tổ hợp có khác với đề thi đánh giá năng lực mà ĐHQG Hà Nội đang xây dựng như thế nào, thưa ông?

- Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN là dạng đề thi tổng hợp bao gồm nhiều câu hỏi thuộc nhiều môn khác nhau. Còn với phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với bài thi môn Khoa học xã hội là dạng bài thi tổ hợp gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Tôi cho rằng, đây là bước cải tiến mang tính chất quá độ. Tiến tới sau dạng đề thi tổ hợp là dạng đề thi mang tính tích hợp nhiều môn. Muốn trả lời được câu hỏi này thì phải có kiến thức kia.

Ở thời điểm này, việc hình thành tổ hợp môn Khoa học xã hội cũng là cách để học sinh phải có sự quan tâm rộng hơn với các môn học. Nếu chỉ thi một số môn bắt buộc thì học sinh bỏ các môn khác tập trung học các môn ấy và học theo kiểu học thuộc.

Còn ra dạng bài thi tổ hợp và sau này là tổng hợp hay tích hợp thì sẽ buộc học sinh phải học căn bản hơn.

Bên cạnh đó, với cách ra đề thi không phải là truy kiến thức, việc học môn Lịch sử cũng như các môn khác của học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn vì không cần phải học thuộc lòng mà chỉ cần nắm kiến thức cơ bản.

Tôi nghĩ, Bộ GD nên sớm giới thiệu mẫu đề thi khi đó xã hội sẽ yên tâm hơn.

20160916122757 img 9496
GS Vũ Minh Giang cho rằng, thi trắc nghiệm sẽ giúp kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn và vẫn phân loại được học sinh. Ảnh: Lê Văn.

- Việc môn Lịch sử được đưa vào bài thi môn Khoa học xã hội với chỉ 20 câu hỏi trắc nghiệm liệu có đủ để đánh giá các năng lực đó của học sinh hay không, thưa ông?

- Ở đây, việc tổ chức bài thi Khoa học xã hội không nhằm đánh giá là thí sinh có giỏi Sử hay không mà là một cách để học sinh không bỏ môn Sử, phải để tâm đến học Sử nhưng cũng không phải buộc học sinh phải học thuộc hết bài này đến bài kia.

Vì thế, tôi nghĩ 20 câu hỏi là được.

Phải nhắc lại là đề thi sẽ không buộc học sinh học thuộc mà phải hiểu những vấn đề căn cốt nhất của chương trình lịch sử trong trường phổ thông.

Thí sinh sẽ không phải lo bị hỏi kiểu "đánh mạn sườn", chỉ cần mức độ hiểu vừa phải là có thể làm được.

- Nhưng với một bài thi cơ bản và ai cũng làm được thì chúng ta sẽ phân loại những học sinh giỏi như thế nào?

- Thực tế thì có những câu hỏi sẽ xét đoán được năng lực của thí sinh chỉ đạt ở mức độ bình thường, có những câu hỏi có thể xét đoán anh ở mức độ xuất sắc.

Chẳng hạn như bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN, gần như câu nào thí sinh cũng làm được, ít câu bỏ. Nhưng cuối cùng vẫn có người 100 điểm có người làm chỉ được 50 điểm.

Nhiều thí sinh làm được bài, tưởng đúng nhưng thực chất là suy luận sai. Ở đây, không chỉ chấm điểm việc thuộc kiến thức mà còn chấm điểm cả sự tinh ý, khôn ngoan của thí sinh.

Nếu thí sinh chỉ sai một câu thì có thể là do không may mắn nhưng nếu sai một loạt câu như vậy thì rõ ràng tư duy không tốt.

Đây không chỉ là ý định chủ quan của người ra đề mà có cả một công nghệ đánh giá học tập từ các nước phát triển. Các câu hỏi được soạn ra trong đề thi đều dựa trên có nghiên cứu, có công cụ đo lường rất cụ thể.

Tác giả bài viết: Lê Văn (Thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok