Kinh tế

Đề xuất "thả cửa" 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra đề xuất bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014, trong đó có nhiều ngành như kinh doanh về ô tô, truyền hình trả tiền, mang thai hộ, sản xuất vàng miếng....

Cụ thể, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang được lấy ý kiến, Bộ KH&ĐT kiến nghị bỏ tới 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014.

267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 là những ngành được giữ lại từ rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước đó. Theo đó, để được chấp nhận giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh các ngành trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện riêng trong các bộ Luật chuyên ngành tồn tại ở các Thông tư (thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ), Nghị định của Chính phủ và các Luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động kinh tế được Quốc hội thông qua.

Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, trong số các ngành được đề nghị xóa bỏ yêu cầu kinh doanh phải có điều kiện, có nhiều ngành có tác động lớn đối với hoạt động kinh tế xã hội. Đơn cử là: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Kinh doanh dịch vụ nổ mìn; Kinh doanh than; Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Kinh doanh dịch vụ sát hạch lái xe; Kinh doanh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu; Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Kinh doanh dịch vụ thoát nước; sản xuất vàng miếng, hoạt động in - đúc tiền…

Ngoài kiến nghị xóa bỏ 67 ngành "không còn phù hợp" bắt buộc phải kinh doanh có điều kiện. Bộ KH&ĐT bổ sung 14 ngành nghề kinh doanh vốn được thả tự do vào vào "giỏ" ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong đó là kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim; Hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; Hoạt động dịch vụ tư vấn du học; Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Kiểm toán năng lượng; Hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; Hoạt động dịch vụ tư vấn du học; Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; Kinh doanh dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền Internet.

Như vậy, theo dự thảo của Bộ KH&ĐT, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm từ 267 ngành nghề xuống còn 214 ngành nghề, giảm được 53 ngành nghề so với trước đây.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok