Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương - Ảnh Gia Hân |
Trình bày tờ trình dự án luật của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thẩm quyền của Thủ tướng theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến thiếu cơ sở để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Từ đó, dự thảo đề xuất sửa đổi 2 điểm tại khoản 2, khoản 10 và bổ sung thêm khoản 10a tại điều 28 của luật Tổ chức Chính phủ hiện hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, dự thảo đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng. Đó là, Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến địa phương.
Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.
Trước đó, vào năm 2015, khi sửa đổi luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội đã thống nhất bổ sung 2 thẩm quyền của Thủ tướng, gồm: trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. |
Ngoài ra, dự thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cân nhắc đề xuất này. Theo bà Ngân, tại khoản 5, điều 96 của Hiến pháp 2013 ghi rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công vụ trong cơ quan nhà nước.
“Hiến pháp giao quyền này cho Chính phủ giờ sửa luật giao cho Thủ tướng thì cần cân nhắc cho đảm bảo tình thần Hiến pháp”, bà Ngân đề nghị.
Bổ sung nhiều quyền cho Chính phủ
Dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất bổ sung thêm nhiều quyền cho Chính phủ. Trong đó có thẩm quyền quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Chính phủ cũng sẽ có thẩm quyền quy định tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tại phiên họp - Ảnh Gia Hân |
Cạnh đó, dự thảo cũng đề nghị bổ sung thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ, các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở để quy định vấn đề này và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện mà không có vướng mắc gì.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc dự thảo quy định việc hình thành tổ chức hành chính căn cứ vào số lượng biên chế tối thiểu là chưa thực sự phù hợp.
“Về nguyên tắc, việc hình thành tổ chức mới phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chứ không phải xuất phát từ biên chế. Việc dự thảo luật tiếp cận cách hình thành tổ chức dựa vào biên chế thì rất khó để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế của Đảng”, ông Định cho hay.
Bộ trưởng có quyền “cho từ chức” Một điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi lần này là bổ sung thêm quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định cho phép bộ trưởng có quyền cho từ chức (bên cạnh cách chức) và biệt phái (bên cạnh điều động, luân chuyển) cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức, đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng có thêm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc. Ngoài ra, theo đề xuất của dự thảo, bộ trưởng cũng có quyền thành lập các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. |
Tác giả: Lê Hiệp
Nguồn tin: Báo Thanh Niên