Kinh tế

Đề xuất sốc: Chấp nhận để nông dân mất đất khi tích tụ đất đai

Nếu cho phép tích tụ đất đai nhưng không quản lý chặt chẽ, có thể sẽ xảy ra một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, gắn với cán bộ chính quyền xin dự án, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại bất hợp lý…

Ruộng đất hay “không gian sinh tồn”

Tại buổi tọa đàm “Tích tụ ruộng đất, được và mất”, tổ chức sáng 29.5 ở TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, phải ủng hộ cho tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng đồng bộ công nghệ, giảm chi phí sản xuất… tuy nhiên, cần có chính sách pháp lý bảo đảm quyền lợi cho nông dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhận định, lâu nay đất đai vẫn là vấn đề khó khăn, còn nhiều lúng túng trong cách xử lý.

Theo ông Trung, chắc chắn không có cách nào khác để nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Nếu không tích tụ đất, giá trị sản xuất nông nghiệp rất thấp, không thể phát triển bền vững, xanh và theo hướng công nghệ cao.

“Hai trở ngại lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay cần giải quyết để phát triển tốt, đó là đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thế nhưng, theo dõi nhiều quốc gia mới thấy, ít có quốc gia nào lại thay đổi nhiều lần về quản lý đất đai như Việt Nam, mà đến nay vẫn chưa hoàn thiện”, ông Trung nhận định.

Tích tụ đất đai sẽ tạo điều kiện cho làm ăn lớn.

Còn theo ông Phan Chánh Dưỡng - giảng viên chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ruộng đất đối với nông dân được xem như không gian sinh tồn. Do đó, một số chính sách tích tụ, tập trung đất đai không được người dân ủng hộ do xâm phạm đến không gian sinh tồn của họ. Theo ông Dưỡng, đất đai gồm có hai yếu tố quan trọng, gồm kinh tế và xã hội.

“Chúng ta không thể lấy hiệu quả sử dụng đất để đánh giá giá trị của miếng đất, vì mỗi góc nhìn sẽ đánh giá giá trị sử dụng của miếng đất khác nhau. Ví dụ người làm nông nghiệp sẽ đánh giá khác với người làm công nghiệp, càng khác với người coi miếng đất là nơi sinh sống của cả gia đình. Do đó chúng ta không thể lấy giá trị kinh tế để quét người nông dân ra khỏi miếng đất của họ”, ông Dưỡng nhìn nhận.

Lo ngại chuyện “đầu cơ đất ruộng”

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Út Huy), cho rằng, hiện nay, đã xuất hiện tầng lớp nông dân rất sáng tạo, mỗi năm họ có thể tạo ra giá trị sản phẩm đến 400 tỷ đồng/1ha đất nông nghiệp. Một khi người nông dân biết tạo ra giá trị gia tăng trên mảnh đất thì quyền sở hữu của họ là bất khả xâm phạm, đất đai là quyền tự do tài sản.

Trang trại trồng chuối rộng lớn của ông Út Huy.

Do đó, nhà nước không thể can thiệp biện pháp hành chính để lấy đất của nông dân. Có như vậy mới tránh được tình trạng kiện tụng, khiếu nại khéo dài, phức tạp xảy ra như lâu nay.

“Chúng ta đang muốn nông thôn trù phú, nhưng lại tạo nên rào cản đối với một diễn biến của tự nhiên là giao dịch đất đai. Một người nếu chỉ có khoảng 1.000m2 đất ở nông thôn thì không thể đủ sống nên họ phải sang nhượng để tìm việc khác phù hợp hơn”, ông Huy nói.

Còn theo ông Trung, cái mất nếu cho phép tích tụ đất đai là một bộ phận nông dân sẽ mất đất, thiếu việc làm. Đồng thời, nếu quản lý nhà nước chặt chẽ cũng có thể xảy ra một bộ phận nhỏ doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, gắn với cán bộ chính quyền xin dự án, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại bất hợp lý.

Tham gia tọa đàm, TS Trần Du Lịch cũng đồng ý rằng, phải chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động chứ không bị cưỡng ép. Thực tế hiện nay không đủ việc làm cho lao động nông nghiệp, vậy nên một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều cần thiết. Đồng thời, nên để tích tụ đất diễn ra tự nhiên và tách biệt.

Ông Lịch cho ví dụ, như ở các nước Bắc Âu, các trang trại chỉ sở hữu 30% đất, 70% diện tích là thuê của nông dân. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích người nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình, vì họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống.

“Vai trò quan trọng nhất của nhà nước lúc này là tổ chức hệ thống phân phối làm sao để giảm chi phí sản xuất. Quản lí nhà nước phải tính đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao chứ như hiện nay, công nghệ chưa cao mà hàng hóa đã cung thừa cầu, nông dân mãi chật vật”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, tích tụ ruộng đất và tập trung đất đai là hai khái niệm khác nhau vì cho kết quả sở hữu khác nhau. Trên thực tế, tập trung là gom lại người tham gia sản xuất cùng, còn tích tụ là mua dần. Để giải quyết triệt để, cần quy tắc, cơ chế tổ chức và phân chia lợi ích.

Tác giả: Thuận Hải

Nguồn tin: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok