Trong nước

Đề xuất hạ tuổi, nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi

Mức trợ cấp hiện tại cho người cao tuổi là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng; độ tuổi hưởng trợ cấp nên bắt đầu từ 75 tuổi...

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Kim Thanh)

Đây là các vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các cơ quan có liên quan giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 6/8.

Mức trợ cấp xã hội chỉ bằng 40% chuẩn nghèo nông thôn

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ, khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.

Dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa, theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.

Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị, 0,93 triệu người khiếm thính, 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 5,1 triệu người khuyết tật nhẹ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật, khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá như Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Giang đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.

Tuy nhiên Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn. Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý...

Độ tuổi hưởng trợ cấp nên bắt đầu từ 75 tuổi?

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi; Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan... phản ánh ý kiến cử tri một số tỉnh, thành phố đề nghị hạ thấp độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi và đề nghị tăng mức trợ cấp vì mức trợ cấp 270 nghìn đồng/người/tháng hiện tại là quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến về mức chuẩn trợ cấp xã hội là quá thấp.Theo Bộ trưởng, việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng lên mức 270 nghìn/người/tháng và thực hiện đầy đủ các chính sách quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn góp phần bảo đảm đời sống của người cao tuổi.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của cử tri và các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết “chúng tôi sẽ đặt vấn đề điều chỉnh mức trợ cấp xã hội, tính toán cuối năm nay trình Chính phủ nâng lên mức mới”.

Đối với đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, thời gian qua, cử tri đã nhiều lần kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Bộ trưởng thông tin, trước đây chúng ta quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, sau đó quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi. Hiện nay, độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định cụ thể tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi. Theo đó, độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đã giảm xuống còn 80 tuổi. “Do đó, muốn điều chỉnh hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội thì chắc chắn phải sửa Luật Người cao tuổi nhưng theo kế hoạch thì năm 2021 mới sửa luật” - Bộ trưởng trả lời.

Tại phiên họp, trao đổi thêm về đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu cho biết, dù ngân sách khó khăn nhưng những năm qua Chính phủ đã cố gắng nâng mức hỗ trợ này. Hiện nay, mức hỗ trợ là 270 nghìn đồng/người/tháng và có khuyến khích các địa phương trong phạm vi ngân sách được phép quyết định mức trợ cấp xã hội cao hơn quy định.

Dù đồng cảm với đề xuất nâng mức trợ cấp, tuy nhiên Thứ trưởng nhấn mạnh lại quan điểm: “Đây chỉ là mức trợ giúp một phần cho các đối tượng trong khả năng cân đối ngân sách cao nhất, điều quan trọng là phải phát huy các nguồn lực xã hội hóa và sự tự vươn lên của các đối tượng”./.

Nhiều nơi ghép người tâm thần "sống chung" với người cai nghiện ma túy. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo của các địa phương, gần đây đối tượng người tự kỷ, người thần kinh đang gia tăng. Do đó, các địa phương liên tục đề nghị cho xây cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần, nhiều nơi chưa xây được phải ghép vào cơ sở bảo trợ xã hội, thậm chí còn ghép cả người tâm thần sống cùng người cai nghiện ma túy. Bộ LĐ-TB&XH đã đi kiểm tra và kiên quyết yêu cầu phải tách ra.

Tác giả: Kim Thanh

Nguồn tin: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok