Trong nước

Đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó có đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, việc ban hành Nghị định mới để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đối tượng tinh giản biên chế

Kế thừa quy định còn phù hợp tại 3 Nghị định nêu trên. So với quy định tại các Nghị định cũ, dự thảo đề nghị đối với đối tượng là lao động hợp đồng: Dự thảo đề nghị áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định không áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, vì đối tượng này ký hợp đồng có thời gian không quá 12 tháng.

Bỏ các đối tượng: Lao động hợp đồng; Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động); Người làm việc trong biên chế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.

Bổ sung đối tượng người làm việc tại các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Về các trường hợp tinh giản biên chế, dự thảo đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trị việc làm đang đảm nhiệm: Dự thảo đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với công chức, viên chức; riêng đối với cán bộ thì trong Đề án nhân sự để giới thiệu bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đã xác định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và nhân sự cụ thể đề nghị không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Các trường hợp chưa giải quyết tinh giản biên chế, tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp đang bị ốm đau, đang mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 36 tháng để nhằm bảo vệ quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cá nhân có nguyện vọng tinh giản biên chế vì họ không đủ sức khỏe để làm việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, nội dung này theo hướng chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.

Về chính sách về hưu trước tuổi, kế thừa quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách về hưu trước tuổi và các chế độ về hưu trước tuổi quy định tại Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, dự thảo Nghị định này chỉ sửa đổi về tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và đảm bảo tương quan với tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tại Kết luận số 08-KL/TW. Theo đó, cách tính tuổi nghỉ hưu trước tuổi được tính theo tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; đồng thời, bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Nghị định số 135/2020/NĐCP đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

Quy định mới về trợ cấp với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã

Để thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và ý kiến của Bộ Chính trị tại Kết luận số 48-KL/TW cần ban hành chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay, dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung Điều 9 mới quy định về chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền được hưởng mức trợ cấp như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngoài hưởng một trong các chính sách theo quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp như sau: Dự thảo đề nghị 2 phương án.

Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 01 tháng lương cơ sở áp dụng từ 01/7/2023). Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.

Ưu điểm: Ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì mỗi người được thêm một mức trợ cấp bằng nhau. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108.000.000 đồng (60 tháng x 108.000.000 đồng). Nhược điểm: Mức trợ cấp chưa đủ lớn để khuyến khích đối tượng dôi dư nghỉ trước lộ trình giải quyết dôi dư của cơ quan có thẩm quyền.

Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.

Ưu điểm: Ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì đối tượng này thêm một mức trợ cấp tính theo lương hiện hưởng của mình. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm và hệ số lương trung bình là 3,66 thì trung bình mỗi người được hưởng trợ cấp khoảng 197.640.000 đồng (3,66 x 1.800.000 đồng x 1/2 x 60 tháng). Mức trợ cấp này sẽ khuyến khích được đối tượng tinh giản biên chế nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp. Nhược điểm: Ngân sách sẽ chi trợ cấp cho đối tượng này lớn; đồng thời, mỗi người sẽ có mức trợ cấp khác nhau dẫn đến có sự so sánh giữa các đối tượng.

Căn cứ ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện theo phương án 1 để nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tác giả: Tuệ Minh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok