Nhiều học sinh và thậm chí cả các giáo viên dạy Ngữ văn khối THCS tại quận 3 khá bất ngờ khi đề thi môn ngữ văn lớp 8 được phát ra. |
Đề thi quá tầm học sinh?
Đề thi học kỳ I năm học 2017-2018 môn Ngữ văn khối 8 có ba phần. Trong đó, phần 2 được nhiều giáo viên và học sinh đánh giá quá sức với các em lớp 8, cũng như không nằm trong chương trình.
Câu hỏi 3 điểm này đưa ra đoạn trích của nhà văn Nguyễn Khải: “Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần.
Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay.
Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng".
Đề bài yêu cầu học sinh viết văn bản nghị luận khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ về những điều gợi lên từ nội dung trên.
Nhiều học sinh cho biết, các em không biết phải làm như thế nào vì không biết đâu là vấn đề chính và cũng không biết đây là dạng nghị luận gì, phải làm nghị luận tư tưởng đạo lý hay nghị luận xã hội.
Một giáo viên Ngữ văn cho biết nội dung phần 2 của đề Ngữ văn lớp 8 được lấy nguyên văn nội dung trong bộ đề thi chuyên văn Olympic 30/4 hàng năm dành cho học sinh giỏi văn từ lớp 10 trở lên.
Nội dung đề của khối THPT chuyên. |
Theo cô, việc ra dạng đề nghị luận với học sinh lớp 8 là cần thiết để các em làm quen với dạng bài này khi lên lớp 9, tuy nhiên chỉ nên đặt ra những vấn đề nhẹ nhàng, gần gũi để các em làm quen chứ không phải dạng bài quá sức, đánh đố học sinh như vậy.
Cô cho biết đề bài này yêu cầu học sinh phải có kiến thức xã hội thật rộng, đồng thời nắm chắc kỹ năng làm bài nghị luận xã hội và phải đào sâu các lớp ngôn từ mới tư duy được.
Trước những ý kiến này, lãnh đạo Phòng GDĐT quận 3 cho hay nội dung trích dẫn trong đề thi Ngữ văn lớp 8 không phải lấy của cấp học trên để làm đề thi cho học sinh cấp dưới hay lớp dưới, mà đoạn trích chỉ mang ý nghĩa về thực tế để học sinh làm quen với văn nghị luận xã hội.
Đồng thời, việc ra đề như vậy học sinh nhận diện và làm quen được các yêu cầu về văn nghị luận xã hội, phục vụ cho việc học sâu và kỹ hơn ở lớp 9.
Trong khi đó, đề Ngữ văn khối 9 của quận 8 được đánh giá là hay và đậm chất nhân văn khi nhắc đến hình ảnh những người lính sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn máu lửa. Câu nghị luận 3 điểm yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về “Quay lưng với lịch sử là thái độ sống chưa đúng đắn”.
Đề Giáo dục Công dân được đánh giá hay
Trước đó, các em học sinh khối THCS trên địa bàn quận 3 cũng đã làm bài thi môn Giáo dục Công dân.
Đề kiểm tra dành cho học sinh lớp 9 có câu: "Hiện nay trong xã hội có những người dùng tiền thu lợi từ việc mua bán hàng gian, hàng giả; từ việc tham nhũng, nhận hối lộ… để đem về phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già. Họ nghĩ đó là cách để 'báo hiếu' với cha mẹ của mình. Theo em, việc làm trên thể hiện lòng hiếu thảo có hợp lý không? Vì sao? Em hãy liên hệ với bản thân mình bằng những việc nên làm và việc không nên làm để báo hiếu với cha mẹ ngay ở hiện tại và cả tương lai".
Đề còn có câu hỏi nói về việc đóng góp của cải, vật chất cho cách mạng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô: "Em hãy viết đoạn văn từ 7-10 câu nêu lên suy nghĩ của mình về việc làm của ông bà cụ (Trịnh Văn Bô) cùng gia đình và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà".
Đề thi trên được nhiều giáo viên môn Giáo dục Công dân đánh giá là rất thời sự trong bối cảnh hiện nay.
Đề thi hay và phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh khi nêu sự kiện và hình ảnh của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường trước giờ vào học cùng yêu cầu: "Qua hình ảnh, thông tin trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân? Nếu em xem đoạn clip hoặc đọc bài báo trên ở trang mạng Internet thì em sẽ viết lời bình luận chia sẻ như thế nào?".
Đề thi của khối 7 cũng được các em học sinh hào hứng đón nhận khi có câu hỏi khá hay: "Trong lúc xếp hàng di chuyển lên lớp, một bạn giẫm trúng chân làm em đau. Em sẽ xử lý như thế nào trong những trường hợp sau: a/ Bạn giẫm trúng chân quay sang xin lỗi em; b/ Do không biết nên bạn không xin lỗi em".
Một thành viên ra đề kiểm tra ở Phòng GDĐT quận 3 cho biết câu hỏi này bắt nguồn từ thực tế xã hội đầy rẫy những hành động bạo lực. Ở ngoài đường, chỉ cần va chạm nhau chút xíu trong khi kẹt xe, nhiều người đã tiếc một lời xin lỗi và lao vào ẩu đả nhau.
Ở trong trường, đôi khi chỉ vì va chạm nhỏ nhưng có em không chịu xin lỗi, hoặc do không biết nên thản nhiên quay đi, khiến bên còn lại ấm ức rồi nuôi ý định trả thù, khiến xảy ra nạn bạo lực học đường.
Đề thi muốn đặt ra tình huống thường gặp nhất, với mục đích giáo dục học sinh từ những điều rất nhỏ để hình thành thói quen cư xử đúng đắn cho học sinh.
Tác giả: Bạch Dương
Nguồn tin: Báo Infonet