Trong tỉnh

Đề nghị hỗ trợ thiệt hại của các hộ nuôi ngao xã Hải Lộc là không đủ căn cứ

Trước thông tin nhiều hộ nuôi ngao xã Hải Lộc (Hậu Lộc) có phản ánh không được nhận hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, phóng viên Báo Thanh Hóa đã về địa phương tìm hiểu sự việc.

Một góc vùng nuôi ngao xã Hải Lộc.Ảnh: N.A

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, được biết: Từ ngày 9 đến 12-10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lũ, làm cho một phần diện tích vùng nuôi ngao tiếp giáp giữa hai cửa Lạch Sung và Lạch Trường bị phù sa bồi lắng, có hiện tượng ngao nuôi bị dồn vây, hỏng vây.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Công văn số 999/UBND-NN, ngày 17-10-2017 chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng và UBND các xã vùng nuôi tập trung cao độ cho công tác khắc phục hậu quả, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi một số giải pháp kỹ thuật để quản lý vùng nuôi, vệ sinh môi trường bãi nuôi, làm sạch bùn trên bãi nuôi.

Đến ngày 20-10, theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện đã tổng hợp chốt số liệu thiệt hại nhưng trong tổng hợp báo cáo của UBND xã Hải Lộc không có diện tích ngao bị thiệt hại. Về cơ bản toàn bộ diện tích ngao nuôi của huyện đã được các hộ triển khai vệ sinh bãi nuôi, san thưa và sửa vây, không có tình trạng ngao nuôi tại xã Hải Lộc chết hàng loạt đến mức gây thiệt hại phải lập hồ sơ đề nghị xem xét hỗ trợ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện Quyết định số 3994/QĐ-UBND ngày 20-10-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định chi tiết mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 và Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngày 24-10, UBND huyện Hậu Lộc đã tổ chức hội nghị với các chủ tịch UBND 27 xã, thị trấn và các ngành có liên quan để chỉ đạo điều tra, thống kê lập hồ sơ thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản do mưa lũ trong tháng 10 gây ra.

Tiếp đó, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác liên ngành cấp huyện phối hợp với UBND xã Hải Lộc tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của mưa lũ và mức độ thiệt hại tại vùng ngao nuôi xã Hải Lộc vào thời điểm từ đêm ngày 31-10 đến sáng ngày 1-11.

Kết quả điều tra tại thực địa vùng nuôi cho thấy, toàn bộ diện tích ngao nuôi thả vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, mật độ nuôi thả ngao trên hầu hết diện tích vùng nuôi cao hơn so với quy định và hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Văn bản số 536/SNNPTNT-NTTS ngày 28-2-2017), tỷ lệ ngao chết ở trong ngưỡng tự nhiên cho phép.

Kết quả nêu trên đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc và UBND xã Hải Lộc công bố cho đại diện 58 hộ nuôi ngao có đơn đề nghị được xem xét hỗ trợ thiệt hại (tại hội nghị do UBND xã Hải Lộc tổ chức ngày 2-11-2017). Bên cạnh đó, căn cứ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các hộ sản xuất bị thiệt hại chỉ được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận...

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thả, mặc dù đã được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, song các hộ nuôi ngao vẫn không thực hiện quy trình kỹ thuật về mật độ nuôi thả và không đăng ký kê khai ban đầu với UBND xã Hải Lộc. Do vậy, các hộ nuôi ngao tại vùng nuôi ngao tập trung của xã Hải Lộc có đơn đề nghị Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua là không hội đủ điều kiện và căn cứ để được xem xét hỗ trợ theo quy định.

Lý giải thêm về điều này, ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho hay: Xã đã ban hành Báo cáo số 34/BC–UBND ngày 10-11-2017. Theo đó, xã Hải Lộc đã tổ chức khảo sát, đánh giá thiệt hại và có báo cáo về UBND huyện; cử cán bộ chuyên môn ra khu vực vùng triều kiểm tra cho thấy toàn bộ diện tích nuôi ngao của xã bị ngập bùn do lưu lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về, bình quân từ 10–20 cm, vùng ven sông cửa lạch từ 30–40cm và chưa có thiệt hại lớn về ngao.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương khắc phục khó khăn tập trung phương tiện, nhân công tổ chức khơi thông, vét bùn tại diện tích bãi nuôi của gia đình. Các hộ tại các vị trí bãi nuôi khi triều xuống đã chủ động xử lý khơi thông xối bùn, đối với các hộ mép sông và cửa lạch do nước không cạn bãi nên không thể xử lý được. Xã đã tiến hành họp các hộ dân có đơn để báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thiệt hại và thông tin một số điều kiện liên quan đến hỗ trợ.

Theo đó, các hộ không được nhận hỗ trợ vì không đủ điều kiện và căn cứ để được xem xét hỗ trợ theo quy định, do vậy các hộ tự chủ động khắc phục thiệt hại, vệ sinh. Không đồng tình với kết luận nêu trên, các hộ nuôi ngao đã phản ánh đến một số cơ quan báo chí.

Hiện nay, do thời tiết chuyển mùa, thời gian phơi bãi ngao chủ yếu vào ban đêm, trùng với mùa đông có các đợt gió mùa đông bắc và rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nhiều, độ mặn nước biển tăng, có thể gây ra tình trạng ngao chết với tỷ lệ đáng kể ở tất cả các vùng nuôi ngao của các tỉnh phía Bắc, điều này phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của ngao nuôi trong thời điểm cuối năm.

Vì vậy, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra đối với người nuôi ngao, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt một số giải pháp, đó là yêu cầu chính quyền các xã có diện tích nuôi ngao, trong đó có xã Hải Lộc tuyên truyền các hộ nuôi thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, chủ động vệ sinh bãi nuôi, thổi bùn, thu nhặt xác ngao chết, san thưa, di chuyển ngao nuôi còn sống đến vùng an toàn, thu hoạch ngao khi đã đủ kích cỡ thương mại...

Đồng thời, tăng cường quản lý vùng nuôi ngao theo quy hoạch của huyện, quản lý kê khai diện tích thả nuôi ban đầu, nắm bắt chu kỳ sản xuất của các hộ nuôi. Huyện cũng đề nghị các ngành chức năng tăng cường thông báo quan trắc môi trường, cảnh báo người nuôi khi có biến động của thời tiết; kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh môi trường sau thu hoạch, bảo đảm cho ngao nuôi có điều kiện sinh trưởng và phát triển.

Tác giả: Thùy Dương và Ngọc Anh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

  Từ khóa: ngao , thiệt hại , Hỗ trợ , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok