Sáng 1-11, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và mục tiêu năm 2018.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập đến vấn đề nhiều vụ việc loạn luân như cha dượng xâm hại con riêng của vợ, hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ, thầy giáo và bảo vệ nhà trường cùng xâm hại nhiều học sinh trong một thời gian dài… chỉ đến khi các cháu quá sợ hãi thì sự việc mới bị phát hiện.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra lại có dấu hiệu bỏ qua, bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình chứng minh tội phạm, nên đại biểu cho rằng có 4 vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, gia đình phải là hàng rào đầu tiên bảo vệ các em, nhưng từ thực tiễn cho thấy chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm đến con cái theo cách truyền thống, mà chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho trẻ kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, nhất là khu vực miền núi và nông thôn.
Có những vụ việc sau khi xảy ra gia đình không muốn báo với cơ quan chức năng, cam chịu bỏ qua, chấp nhận hậu quả về tinh thần. Có những vụ gia đình quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng nhưng do thiếu hiểu biết dẫn tới làm mất đi những chứng cứ ban đầu để chứng minh tội phạm.
Không đưa được kẻ phạm tội ra pháp luật, nhiều gia đình chọn cách chuyển nhà, chuyển trường để hạn chế bớt tác động tới trẻ còn kẻ phạm tội thì vẫn bình thản sống ngoài xã hội và tiếp tục là mối nguy cơ với trẻ khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị sửa Luật giám định tư pháp để góp phần phòng chống xâm hại trẻ em |
Thứ hai, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật tình hình. Sách giáo khoa có rất ít nội dung này, còn trong thực tế, nhiều giáo viên có tâm lý e ngại nên chỉ truyền đạt vấn đề một cách chung nhất. Trong khi đó nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa giáo dục sức khỏe thành môn học bắt buộc trong trường, với nhiều bài về tội phạm, xâm phạm tình dục trẻ em, có các tình huống, hình vẽ minh họa, giúp các em nhận biết và ứng phó trước các nguy cơ. Sau mỗi bài học lại có phần thực hành để khuyến khích các em nói ra những nhận xét của mình hoặc ghi ra giấy các tình huống nguy hiểm mà mình đã trải qua.
Theo đại biểu, đã đến lúc nền giáo dục phải quan tâm đến nội dung này, giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại phải trở thành những bài học bổ ích và có tính bắt buộc quy mô quốc gia, chứ không phải mạnh trường nào thì trường ấy làm, ở thành phố có điều kiện thì đầu tư nhiều còn vùng khó khăn thì ít quan tâm.
Thứ ba, quá trình chứng minh các vụ án này gặp nhiều khó khăn, nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, do đó nếu không có chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố, truy tố, kết tội. Trong khi đó, các vụ xâm hại trẻ em lại thường xảy ra ở những hoàn cảnh ít khi có nhân chứng, nạn nhân còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ vụ việc, hoặc do hoảng sợ nên khai báo không chi tiết.
Luật Giám định tư pháp không có quy định dành riêng cho loại án này, mà áp dụng chung như với các vụ án khác. Gia đình người bị hại lại chỉ có quyền trưng cầu giám định nếu sau 7 ngày mà cơ quan tố tụng từ chối trưng cầu, nên khó có thể lưu giữ chứng cứ. Trong khi đó, với các vụ án xâm hại trẻ em, càng kéo dài càng tổn thương cho trẻ, khả năng chứng minh, phá án càng có khó khăn mới.
Do vậy, bà Thủy kiến nghị Quốc hội sửa Luật giám định tư pháp theo hướng gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xảy ra.
Theo đại biểu, công tác quản lý nhà nước về trẻ em nói chung và trẻ bị xâm hại trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Theo quy định hiện có đến 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH là đầu mối nhưng chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác số trẻ bị xâm hại, tất cả đều lấy theo số vụ án đã bị khởi tố, không phản ánh đúng tình hình, vì có những trường hợp nạn nhân và gia đình im lặng suốt đời. “Không có số liệu thì không đánh giá đúng tình hình, không có biện pháp phù hợp để giải quyết”, bà Thủy nói.
Theo Luật trẻ em thì Bộ TTTT có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhưng trên mạng hầu như không có bất cứ sự cảnh báo, ngăn cản nào, trong khi đó khả năng ứng phó của trẻ rất hạn chế.
Theo bà Thủy, thời gian tới, nhất thiết phải có thêm những hành động cụ thể từ các cơ quan để cải thiện tình hình, trước hết là với các cơ quan được giao trách nhiệm. “Yêu cầu đặt ra là phải tạo được môi trường an toàn để trẻ không thành nạn nhân, nếu có vụ việc xảy ra phải kịp thời bảo vệ trẻ, nhanh chóng tìm ra tội phạm”, bà Thủy nói.
Đại biểu kiến nghị Bộ LĐTB&XH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để đánh giá đúng tình hình xâm hại trẻ trên thực tế, Bộ TT&TT có giải pháp công nghệ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng; cơ quan tố tụng trung ương sớm ban hành quy trình tố tụng đặc biệt trong giải quyết các loại án này, hướng dẫn cách thức thu thập chứng cứ và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết.
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội