Giáo dục

Để không còn đứa trẻ nào bị bỏ quên đến chết

Cậu học trò nhỏ tên Long trong ngày thứ 2 đến Trường Liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị bỏ quên trong xe suốt 9 giờ và tử vong, không một ai quan tâm, đoái hoài, gọi nhắc. Xót xa thay, trước, trong và cả sau cái chết, chỉ thấy ngồn ngộn sự thờ ơ, vô tâm, dối trá...

1. Điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng quận Cầu Giấy xác định: Sáng 6/8, ông Doãn Quý Phiến điều khiển xe từ ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến đón cô Quy, nhân viên đưa đón học sinh của trường Gateway, đón tổng cộng 13 học sinh, trong đó có cháu Long.

Khoảng 7h25, ông Phiến lái xe đến cổng phụ của trường, cô Quy đưa học sinh xuống xe rồi đóng cửa xe lại. Ông Phiến đưa xe về ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền gửi. Tới 15h30, ông Phiến lấy xe quay lại trường tiểu học đón học sinh.

Khi đón học sinh tan học, cô Quy không thấy cháu Long nên báo cô giáo chủ nhiệm. Sau đó, khi đưa học sinh lên xe, cô phát hiện cháu Long đang nằm dưới sàn xe. Cháu được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím tái, bệnh viện cấp cứu nhưng không có kết quả và thông báo với gia đình cháu đã tử vong.

Về lỗi ban đầu, theo ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, với việc cháu bé bị bỏ quên trong xe, ông khẳng định chắc chắn có trách nhiệm của cô giáo đưa đón.

Phụ huynh cháu bé tử vong thất thần tại bệnh viện, cho rằng trường Gateway thông tin sai sự thật.

Trước câu hỏi cô giáo chủ nhiệm đã nhập thông tin cháu không có ở lớp nhưng trường không liên lạc với phụ huynh học sinh? - ông Ngọc Anh biết trường Gateway vận hành phần mềm riêng để liên hệ với học sinh, phần mềm mới đưa vào vận hành nên chưa đủ người. Việc vận hành phần mềm do nhà trường bỏ sót nên dẫn đến bỏ sót cháu Long...

Trả lời câu hỏi việc nhà trường có trách nhiệm thông báo cho gia đình khi học sinh nghỉ học?, ông Ngọc Anh thông tin: Về nguyên tắc, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh học sinh khi con em họ vắng mặt, bằng tin nhắn, điện thoại và phần mềm. Trường hợp này phần mềm mới được đưa vào sử dụng nên không thông báo kịp thời. Cái này là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên…

Nói về lỗi quy trình (buộc phải có người đón và người tiếp nhận học sinh) hay lỗi phần mềm lúc này thật là đau xót, bởi tại sao một ngôi trường cắt đứt mọi liên lạc với phụ huynh, thờ ơ với sự vắng mặt của trẻ trong lớp chỉ 17 học sinh lại có thể được tồn tại?

2. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc”, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT trường quốc tế Gateway đã nói như vậy sau khi bé Long tử vong. Nhưng thông cáo phát đi sau đó của trường này lại tiếp tục cho thấy sự vô cảm, vô trách nhiệm, thậm chí bị cha ruột của bé Long đặt nghi vấn dối trá.

“Bất tỉnh” là từ được trường Gateway sử dụng khi phát hiện bé Long trên xe đưa rước. Thậm chí, một đại diện nhà trường kể lại với báo chí rằng khi phát hiện cháu bé trên xe, y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân và thấy mạch của cháu bé còn đập, chân tay mềm…

Ngay lập tức, bố cháu bé - anh Lê Văn Sơn đã phản đối thông tin trên và yêu cầu nhà trường thành khẩn, vì bác sĩ xác nhận cháu bé tử vong trước khi vào viện, thời gian từ trường vào viện chỉ khoảng 20 phút, không thể có chuyện người cháu mềm mà vào viện co cứng ngay được.

Trường Gateway không cho giáo viên liên hệ với phụ huynh.

“Khi con mất, nhà trường cố tình chuyển con vào viện và báo con bị ngất là sai, không đúng. Tại sao gia đình tôi rất nhiều người có mặt ở đây mà những người liên quan phía nhà trường không có mặt?... Bác sĩ thông báo cho gia đình rằng cháu đã mất, tôi kiểm tra thì người cháu cứng rồi, người đã không còn hơi ấm. Bác sĩ nói cháu mất trước khi đến viện…”, anh Sơn nói.

Vị phụ huynh tội nghiệp cũng đã đề nghị đại diện nhà trường viết ra đầy đủ quy trình đưa đón cháu, bỏ quên cháu trên xe, rồi khi cháu không lên lớp. Xe chở cháu nhưng không thấy cháu xuống thì sau đó xe này đi đâu, đỗ ở đâu, có phải khi phát hiện cháu mất mới chở đến trường?…

Lấp liếm, dối trá hay không, thì ông Trần Văn Hóa - Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy ban đầu cũng đã khẳng định cháu Long tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện.

3. Sáng 7/8, lãnh đạo Bệnh viện E đã tiếp tục khẳng định cháu bé đã tử vong ngoại viện. “Bệnh viện không được quyền phát ngôn vì gia đình cháu bé đã gọi công an và Tòa án ngay từ đầu, đã giám định pháp y. Tuy nhiên điều có thể khẳng định là cháu bé đã tử vong trước khi đến bệnh viện”, ông Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E nói với Tuổi Trẻ.

Những điều khủng khiếp gì đã đến với cậu học trò nhỏ tên Long trong ngày thứ 2 vào lớp 1 khi lúc thì cháu ở băng cuối xe Ford 16 chỗ, lúc thì cháu ở ghế sau ghế tài xế? Và bé đã thực sự “bất tỉnh” thuần túy hay đã co cứng và việc đưa vào bệnh viện chỉ để “đúng quy trình”? Cần lưu ý một chi tiết rằng bé Long được gia đình đánh giá là hiếu động, quen sử dụng ô tô. Mà theo lãnh đạo một đại lý Ford tại TP. HCM, còi (kèn) và đèn báo xe vẫn hoạt động khi rút chìa khóa!

Nhiều cảnh tượng về cái chết thương tâm của bé Long được vẽ ra, nhiều thuyết âm mưu được dựng lên, nhưng rồi rốt cuộc cậu bé không còn sống để có thể kể lại tỏ tường. Việc của chúng ta, những người lớn lúc này, là phải quyết tâm đi đến điểm tận cùng của sự thật, để vĩnh viễn không còn một cổng trường Gateway nào là cửa tử đối với đám trẻ.

Về trường Gateway, chưa nói về sự vô tâm, vô cảm (nếu có) của các cô giáo, thì việc nhà giáo bị ngăn chặn mọi tương tác, liên lạc với cha mẹ học sinh đã là sự đi ngược lại tinh thần của giáo dục nhân văn, khai phóng là thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường trong dạy trẻ.

Giáo dục kiểu đó là giáo dục kiểu công nghiệp, nuôi nhốt, nhưng lại có thể lấy rất nhiều kim tiền mồ hôi nước mắt phụ huynh.

Tác giả: Kiên Giang

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok