Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh do tác động của dịch COVID-19. So với năm 2019, nhu cầu mì gói trong năm 2020 đã tăng 14,79%. Trong đó, người Việt tiêu thụ 7,03 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia. Với thực tế các lệnh giãn cách xã hội liên tục được áp dụng tại các thành phố lớn hiện nay, doanh số mì gói được dự báo sẽ còn tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Trong số các nhà sản xuất mì gói tại Việt Nam, Acecook Việt Nam xếp đầu bảng về thị phần với 36% trong 9 tháng đầu năm 2020, theo số liệu từ Retail Data, bỏ xa các đối thủ xếp sau là Masan (27,9%), Uniben (12,2%) và Asia Foods (8%).
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Acecook Việt Nam được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty liên doanh Vifon Acecook, là kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Tuy nhiên, giống như kết cục của nhiều liên doanh góp vốn khác giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mối lương duyên này cũng không bền lâu. Hai năm sau khi sản phẩm "Mì Hảo Hảo" ra mắt thị trường, Vifon đã thoái vốn. Năm 2004, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam - bước đi được xem là sự chấm dứt mối liên quan với Vifon tại liên doanh này. Đến năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành mô hình công ty cổ phần.
Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Acecook Việt Nam là 298,4 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Co., Ltd sở hữu 56,64%, giữ vai trò là công ty mẹ. Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni nắm giữ 18,296%.
Ngoài các cổ đông Nhật Bản, đáng chú ý, cơ cấu sở hữu Acecook còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN 1962) – người nắm giữ 7,5 triệu cổ phần, tương ứng với 25,064% cổ phần còn lại.
|
Thị trường mì gói những năm gần đây đã gia tăng đáng kể mức độ cạnh tranh với sự du nhập của những sản phẩm nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Dù vậy, so với những đối thủ, Acecook vẫn là cái tên đáng gờm nhất với doanh thu, lợi nhuận tăng đều qua các năm giai đoạn 2016-2019, và đạt đỉnh năm 2019 với doanh thu 10.647 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.660 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 80% so với năm 2016, cho thấy biên lợi nhuận của Acecook cũng tăng rất nhanh những năm qua.
Con số này nhiều khả năng tiếp tục tăng lên trong các năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, dù vốn điều lệ chỉ chưa đầy 300 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu thực tế của Acecook Việt Nam lại cao gấp cả chục lần. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu lên đến 7.096 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 8.420 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp này đã tích luỹ được nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Với quy mô này, 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí là một gia tài đáng kể, tương đương 1.774 tỷ đồng giá trị sổ sách tính đến cuối năm 2019, và thực tế còn cao hơn nhiều nếu tham chiếu với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Hoàng Cao Trí. Ảnh Internet |
Cuộc chơi địa ốc của đại gia Hoàng Cao Trí
Ông Hoàng Cao Trí tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, sau đó khởi đầu với công việc tại Vifon, nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật rồi được đề bạt làm quản đốc phân xưởng cơ điện. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành Phó Tổng Giám đốc, rồi gắn bó với công ty suốt từ đó đến nay, kể cả sau khi Vifon rút đi.
Trong một bài phỏng vấn cuối năm 2012, ông Trí cho biết, điều ông tự hào nhất là đã xây dựng được thương hiệu Acecook thành một niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Nhưng sự nghiệp của doanh nhân sinh năm 1962 không chỉ dừng lại ở Acecook, mà còn phải kể đến tham vọng trong mảng bất động sản, với pháp nhân lõi CTCP Du lịch Biển Xanh (Blue Sea Corp).
Blue Sea Corp cho biết đang đầu tư phát triển các dự án bất động sản tại 4 khu vực trọng điểm: Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật trong số đó, có thể kể tới dự án Khu du lịch sinh thái Biển Xanh với tên thương mại Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm tại ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Blue Sea Corp được thành lập từ năm 2002 và đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Tại ngày 12/9/2019, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 400 tỷ đồng, bao gồm: Ông Hoàng Cao Trí (78,2%), vợ ông Trí là bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,8%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (SN 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, ông Trí còn là cổ đông nắm giữ 70% vốn tại Công ty TNHH Vương Quốc An Sinh, số cổ phần còn lại tại công ty này do bà Nguyễn Thị Tịnh sở hữu. Bà Tịnh chính là chủ Doanh nghiệp tư nhân cơ sở khai thác chế biến hải sản Thanh Quốc - chủ sở hữu thương hiệu nước mắm cùng tên tại Phú Quốc.
Ngày 31/5/2018, tức chỉ sau 1 tháng thành lập, Vương Quốc An Sinh đã rót 48,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH Phú Trần (Phú Trần), qua đó nắm giữ 9,7% vốn tại đây. Phú Trần, nên biết chính là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự nhà vườn cao cấp Đồi Hoa Sim (Violet Valley) quy mô 73,87ha nằm tại Bãi Trường, Phú Quốc.
Ngoài ra, hệ sinh thái của ông Hoàng Cao Trí còn một số công ty thành viên như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thiên Nga Trắng (hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, điểm dừng chân tham quan, mua sắm, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm an sinh); Công ty TNHH Khách sạn hòn đảo Hoàng Gia (hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn ngày); Công ty TNHH Du lịch Quang Hải (hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn hạn), Công ty TNHH Bất động sản Hoàn Mỹ (hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng), Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng...
Về phần mình, vợ ông Trí, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy cũng đứng tên tại CTCP Resort Cát Vàng, Công ty TNHH MTV Thế giới Mì, Doanh nghiệp tư nhân Quốc Anh, tuy nhiên, các pháp nhân này đều đã ngừng hoạt động.
Tác giả: Nhật Huỳnh
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư