Bộc lộ kém hiệu quả
“Tivi 32 inch quá bé, các cháu không thể quan sát và học tập được, chiếc máy tính Acer với trị giá 20,8 triệu cũng không tài nào mở lên được vì chạy quá chậm. Nhà trường phải gọi thợ đến kiểm tra, thì các thợ kỹ thuật đều khuyên trường nên thay bộ ổ cứng mới thì mới dùng được”, cô Lê Thị T, hiệu trưởng Trường tiểu học tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho hay.
Nữ giáo viên nói thêm, các thiết bị như tivi, máy chiếu, máy tính... là một trong những đồ dùng cơ bản nhất, cần thiết trong chương giảng dạy của sách giáo khoa cải cách lớp 1 năm nay, nhưng sau khi nhận về, trường mở ra lại phải cất vào kho vì không sử dụng được.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương xác nhận, huyện đã nhận được phản ánh của giáo viên ở một số trường về việc trang thiết bị đồ dùng dạy học được cấp cho chương trình sách giáo khoa lớp 1 năm 2020-2021 có nhiều bất cập. Hầu như tivi màn hình quá bé, máy chiếu khó quan sát.
Tivi được cho là quá nhỏ, học sinh ngồi dưới không quan sát được |
Các thiết bị trên thuộc đề án mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 của Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài tivi, máy tính, còn các thiết bị khác như: tủ đựng thiết bị, bộ thực hành Toán, tiếng Việt lớp 1…
Gói thầu mua các thiết bị trên được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh (thời điểm bà Phạm Thị Hằng, đang làm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) ký hợp đồng với Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An khang; Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành).
Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hơn 89 tỷ đồng. Trong đó, 612 bộ thiết bị cấp cho 512 trường tiểu học trên địa bàn với hơn 88 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư gần 658 triệu đồng; chi phí vận chuyển, lắp đặt 512 triệu đồng.
Kinh phí này được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.
Lãng phí ngân sách
Nói về các thiết bị thuộc chương trình của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, anh Lê V.H., Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Thanh Hóa nói rằng, với số tiền hơn 26 triệu với chiếc máy chiếu Projector đa năng kỹ thuật số OPTOMA hay chiếc máy tính xách tay Acer trị giá 20,8 triệu có lẽ nếu được tự cung ứng, họ sẽ lựa chọn được những thiết bị tốt hơn để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy.
Tại trường này, 1 chiếc tivi và 2 máy tính được đóng hộp lại và cất trong kho, một chiếc tivi được lắp đặt tại phòng bảo vệ.
Máy tính bị phản ánh chạy chậm, bật cả tiếng mới lên |
"Tivi quá nhỏ, học sinh ở dưới không thể nhìn rõ chữ, vì vậy không thể phục vụ công tác giảng dạy được. Máy tính thì ngay từ đầu đã không thể sử dụng được do vận hành quá chậm; máy chiếu thì lúc được, lúc lại nháy sóng hoa hết cả mắt", người này cho hay.
Để có thiết bị giảng dạy, một số trường đã huy động được nguồn xã hội hóa cũng như cân đối được nguồn ngân sách nên đã mua được thiết bị thay thế.
Song, đối với các trường ở miền núi điều kiện còn khó khăn, khó để có tiền mua thiết bị, do đó học sinh phải học "chay".
"Khi nhận được một bộ thiết bị dạy học, nhà trường rất phấn khởi. Nhưng khi sử dụng thì chúng tôi vô cùng thất vọng về chất lượng, đặc biệt là 2 loại thiết bị tivi và máy tính", một hiệu trưởng nhà trường trên địa bàn huyện Mường Lát chia sẻ.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, những gói thiết bị đã được danh mục Bộ GD&ĐT quy định về chủng loại, kích thước, không thể nói là không dùng và không hợp được.
Cũng theo vị Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc thực hiện hậu kiểm đối với các gói thầu.
Về vấn đề trên, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá hiện trạng cũng như mức độ sử dụng của các thiết bị, đồng thời có những đề xuất như thế nào, báo cáo để có hướng chỉ đạo xử lý.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn