Tuy nhiên, nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu NSNN luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu NSNN có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nguồn phát triển SX-KD của nền kinh tế do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, nguồn thu từ sử dụng đất, thoái vốn nhà nước tại các DNNN,…
Năm 2015 khai thác thêm so với kế hoạch 2,2 triệu tấn dầu thô, tiền thu từ sử dụng đất tăng 9.000 tỷ đồng; năm 2016 khai thác thêm 1,38 triệu tấn dầu thô, thu từ đất tăng 97%, đạt 48 nghìn tỷ đồng.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững để không chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công, để chi theo khả năng của nền kinh tế, vay theo khả năng trả nợ.
“Đất đai, tài nguyên, dầu thô là của để dành, cần có định mức khai thác hợp lý.” ĐB Hoàng Quang Hàm nói.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). |
Thu NSNN năm 2015 tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng nhưng việc tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, đây là nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng này đã xảy ra suốt cả một giai đoạn dài từ 2011-2015.
Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các địa phương khi lập dự toán thu thường ước thực hiện thấp hơn khả năng thực hiện. Các địa phương tăng thu, nhưng việc thu hồi vốn ứng trước dự toán năm 2015 hơn 79 nghìn tỷ đồng qua nhiều năm chưa được thu hồi; việc ứng trước dự toán không bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ.
Trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc để tồn tại những vẫn đề này. Khi lập dự toán thu ngân sách đã không phản ánh hết nguồn thu của một số địa phương. ĐB Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi quá trình thẩm định để lập dự toán, liệu cán bộ chuyên môn có biết hay không? Cần phải làm rõ để ngăn chặn các tình trạng trên.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa). |
Kết quả kiểm toán cho thấy chi thường xuyên năm 2015 tăng vượt dự toán mà nguyên nhân hoàn toàn do chủ quan. Theo kết quả của KTNN, chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, yếu kém ở tất cả các khâu, hoặc là do yếu kém về chuyên môn, hoặc là do đạo đức của cán bộ công chức. ĐB Diến cho rằng cả hai nguyên nhân trên đều cần phải xử lý triệt để để thực hiện tinh giản biên chế.
“Cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục những yếu kém trên và cần phải thực hiện nghiêm từ trung ương đến địa phương. Nếu trên dưới không nghiêm, liệu quốc gia có ổn định, xã tắc có bình yên hay không?” ĐB Mai Sỹ Diến nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đã chỉ rõ những hạn chế của chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Theo đó, việc miễn giảm đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi rộng và đối tượng miễn giảm ngày một tăng. Khoảng 300 khu kinh tế, khu công nghiệp áp dụng chính sách miễn giảm thuế.
Cũng theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, đôi khi chúng ta sử dụng công cụ thuế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mang tính xã hội và điều này làm mất đi tính trung lập của thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định về miễn giảm thuế cũng chưa mang tính hệ thống.
Tác giả: Ngân Giang
Nguồn tin: Báo Infonet