Giáo dục

Dạy thêm, học thêm: Nếu coi là dịch vụ, sẽ hết... “lùng bùng”?

Hiện TP HCM có quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Nhiều phụ huynh, học sinh đã phản ứng với lý do năm nào cũng đổi mới thì việc dạy thêm, học thêm để “chạy”cho kịp chương trình là điều tất yếu. Đồng thời, theo Đề án thay đổi sách giáo khoa được Quốc hội phê duyệt, năm 2018 sẽ bắt đầu lộ trình đổi mới, thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học...


Là một chuyên gia giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội đã chia sẻ quan điểm với phóng viên báo PLVN về những vấn đề trên...

Thưa GS, bước vào năm học mới, ngành giáo dục còn có những hạn chế gì cần sớm khắc phục?

- Tôi cho là nhiệm vụ số một của ngành giáo dục là rà soát lại, xây dựng phương án để thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Chính phủ đã ra hẳn chương trình để thực hiện Nghị quyết của trung ương thì chúng ta cứ căn cứ vào đó mà thực hiện.

Nghị quyết đã ban hành được hơn 2 năm rồi, có những vấn đề ngành giáo dục phải tính làm lâu dài, có lộ trình nhưng tất nhiên không phải chờ để không đổi mà cứ tiếp tục đổi mới và Bộ Giáo dục cũng đang làm. Bộ phải chú ý tạo sự chuyển biến trong giáo dục đại học chứ không chỉ chăm chăm vào việc cải tiến chương trình - sách giáo khoa, hay chăm chăm cải tiến thi cử. Nếu chúng ta cứ loay hoay mãi ở giáo dục phổ thông thì sẽ chậm trễ trong việc rút ngắn khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo tôi đào tạo đại học của mình là khâu yếu nhất. Chất lượng giáo dục đại học chưa nhúc nhích nhiều ta chỉ chăm chăm phổ thông. Rồi dạy nghề chưa có chuyển biến tích cực, chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng, cả hai Bộ quản lý mà không quản được, càng thêm rối rắm. Vấn đề phân luồng ở phổ thông hiện nay chưa giải quyết được thì cần phải làm tiếp. Vấn đề nữa của giáo dục phổ thông là chương trình - sách giáo khoa mới.


GS Nguyễn Minh Thuyết

Về giáo dục phổ thông hiện nay chỉ vướng phải một vài vấn đề như học hành nặng nề, quá tải thì chúng ta cần xem nguyên nhân ở đâu để giải quyết. Tại sao các nước khác không bị quá tải, mà chúng ta lại thế?

- Theo tôi có lẽ phương pháp dạy học của giáo viên đang có vấn đề, số lượng môn học ở bậc học phổ thông là quá nhiều. Đổi mới theo tôi nên tập trung vào một giải pháp then chốt là “người thầy” và chỉ nên xác định một khâu đột phá là đổi mới phương thức giáo dục mà yêu cầu quan trọng nhất là gắn học với hành, gắn nhà trường với xã hội.

Phổ thông nên giải quyết quá tải do phương pháp dạy học, bởi giáo viên ở nước ngoài học rất giỏi, khi dạy học họ được quyền chủ động rút ra cái gì cần, còn ở mình sách giáo khoa hướng dẫn giáo viên dạy từ a-z, có những điều học sinh không thích mà mình cứ dạy. Chương trình hiện hành cũng có rất nhiều tư tưởng mới, nhưng không thể thực hiện được bởi thầy “cổ quá” cứ dạy theo thói quen mà không chịu tiếp thu cái mới.

Về chương trình - sách giáo khoa, theo tôi không cần học nhiều môn thế, nhất là ở cấp 3. Còn đối với các cấp học dưới thì một số môn cũng nên gom lại (tích hợp - PV). Nhưng nước mình làm được việc này rất khó, cứ động chạm chút là lại “nhảy lên” môn học nào cũng quan trọng.

Thưa GS, việc chống tiêu cực trong GD như: nạn dạy thêm học thêm tràn lan, “chạy trường chạy lớp”, dường như chúng ta năm học mới nào cũng căng thẳng vì mấy vấn đề đó?

- Giờ bảo học thêm ít nhưng thầy cô môn nào cũng nói quan trọng, từ môn thể dục cũng quan trọng đối với con người là sức khỏe, thẩm mỹ cũng quan trọng... nhưng nói như thế vô cùng. Cha mẹ thì nhồi nhét con đủ kiểu: Toán, Văn, Anh, Võ, Vẽ... Vấn đề chống dạy thêm, học thêm tràn lan, cưỡng ép, chứ không cấm hoàn toàn được. Cấm không có cơ sở pháp lý, không ai cấm bác sĩ hết giờ không được ra khám ngoài, hay kiến trúc sư làm thêm….

Quan trọng nữa là, dạy thêm, học thêm thực sự nhu cầu của một số đối tượng nhất định trong xã hội. Cho nên mình cấm không được, vấn đề là phải tìm ra giải pháp. Để giải quyết triệt để thì gốc gác liên quan vấn đề lương của giáo viên, giải quyết thu nhập như thế nào. Nếu chúng ta coi giáo dục là dịch vụ thì dạy thêm, học thêm sẽ chấm dứt. Chứ cứ lùng bùng thế này thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Cái cấm đó là không thực tế, chúng ta không đừng cấm mà phải có cách quản lý. Ví dụ, trường đứng lên tổ chức thì sẽ biết tỷ lệ học sinh kém giỏi ở các lớp là bao nhiêu, sẽ tránh được tình trạng cả lớp đều phải đi học thêm. Thứ hai là đánh thuế việc dạy thêm học thêm, càng dạy nhiều càng đánh thuế nhiều.

Tức là mình phải giải quyết tiêu cực, chứ cấm đều không giải quyết được vấn đề, không công bằng xã hội. Trong khi Nhà nước không thể tăng lương cho giáo viên được, vậy thì tại sao các ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư được phép làm thêm, thu nhập có thể cả vài chục đến cả trăm triệu, trong khi lương giáo viên cứ nhất định ba cọc ba đồng không đủ sống...

Trân trọng cảm ơn GS!

Sẽ có lộ trình giảm dạy thêm, học thêm

Theo Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ, dạy thêm học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không riêng Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Nên cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm. Song muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình mà quan trọng nhất là thay đổi nội dung chương trình, sách giáo khoa. Dù lộ trình thay đổi sách giáo khoa đang chậm trễ, song quan điểm của Bộ là “chậm mà chắc”. Bởi sách giáo khoa phải được xây dựng trên một chương trình tổng thể tốt. Giờ chương trình tổng thể chưa có, chương trình môn học cũng chưa tính cụ thể.

Song Bộ cũng đã có kế hoạch làm và sẽ triển khai.Việc kiến tạo sách giáo khoa cũng có những điểm mới. Việc xây dựng sách giáo khoa không chỉ bó hẹp ở một nhóm chuyên gia mà sẽ công khai, minh bạch cho các thầy cô đóng góp ý kiến, tránh tình trạng làm xong rồi lại phải sửa. Chúng ta có đội ngũ giáo viên giỏi ở trường sư phạm, trường phổ thông. Bộ chưa đặt vấn đề hoãn, song sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ và trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp...

Tác giả bài viết: Uyên Na (Thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok