Tại sao học sinh phải đi học thêm? Khi đặt câu hỏi này, số đông sẽ đổ ngay đầu cho giáo viên. Tiêu cực trong dạy thêm không phải không có nhưng đó chỉ là những con sâu đang làm rầu cả đội ngũ nhà giáo. Thêm nữa, một khi học sinh không muốn, đủ tự tin, đủ khả năng tự học và không coi nặng thành tích, điểm số thì giáo viên có “đì” cách nào cũng chẳng ai có thể ép các em đến lớp học thêm ngoài chính bản thân các em và gia đình.
Học sinh có nhu cầu học thêm vì chương trình học lâu nay quá tải, vượt khả năng đáp ứng của giờ học chính khóa còn nhiều hạn chế về thời gian, sĩ số học sinh, áp lực giáo án… Muốn trải qua các kỳ thi, trừ những em có năng lực nổi trội thì hầu hết học sinh đang phải “cậy” việc học ngoài giờ lên lớp chính thức.
Học thêm để thi là nhu cầu có thực của học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận, lớp có 45-50 học sinh thì có đến 30-40 em có nhu cầu học thêm khi mục tiêu học tập lớn nhất của các em và gia đình là để thi đậu, đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
Học thêm có thể không giúp học sinh giỏi hơn, thông minh hơn mà ngược lại, đã có nhiều lời cảnh báo về nguy hại của học thêm đối với học trò. Nhưng trước mắt nó giúp các em vượt qua được các kỳ thi và để thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Mà giáo dục của chúng ta cả trong nhà trường và cả gia đình lâu nay xem nặng thành tích, kết quả trước mắt, còn hệ quả lâu dài thế nào mặc kệ hồi sau. Học sinh phải chạy theo guồng quay đó.
Học thêm và dạy thêm nhu cầu có thực của thầy và trò trong điều kiện hiện tại. Việc TPHCM cấm dạy học thêm trong nhà trường nhưng lại cho phép dạy học thêm bên ngoài chắc chắn sẽ dẫn đến việc “nở rộ” các trung tâm bồi dưỡng văn hóa để đáp ứng nhu cầu của học trò.
Việc dạy học thêm ở trung tâm xét về tương quan giữa người học và người dạy có thể nói sẽ tránh được tiêu cực trong dạy học thêm. Tuy nhiên về mặt quản lý lại là cả một thách thức. Nỗi lo “loạn” dạy thêm, học thêm bên ngoài không phải không có cơ sở.
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra mới đây, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh nhắc đến hiện tượng treo đầu dê bán thịt chó tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Tên tuổi của các thầy cô có tiếng được quảng cáo ở các trung tâm nên học sinh đổ đến học rất đông. Nhưng khi các em vào lớp học thì giáo viên trực tiếp dạy lại là người khác, thậm chí là sinh viên mới ra trường.
“Chương trình quá tải và với cách kiểm tra đánh giá như hiện nay cấm trong nhà trường thì các em sẽ đi học ở bên ngoài. Tiêu chuẩn của các trung tâm dạy học thêm bên ngoài cũng như tiêu chuẩn giáo viên đứng lớp ở đây như thế nào?”, bà Thanh lo ngại.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung cũng chung băn khoăn về việc nở rộ các trung tâm bên ngoài đáp ứng nhu cầu của người học khi cấm dạy học thêm trong nhà trường. Và rồi sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề trong quản lý.
Khi đó, lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM giải đáp việc quản lý các trung tâm dạy học thêm cũng sẽ do Sở và các Phòng GD-ĐT quận huyện cấp phép và quản lý. Để được cấp phép, các trung tâm cũng phải đảm bảo điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như phòng phòng, công tác phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cùng nhiều yêu cầu khác.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành cũng bày tỏ về thực tế rất khó có cơ sở nào có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và việc quản lý chắc chắn không hề đơn giản. Không ai nói thẳng ra nhưng rõ ràng một khi bùng phát các trung tâm bên ngoài thì việc để đảm bảo quyền lợi của người học là một thách thức đối với quản lý.
Như lời “cảnh báo” của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cấm bên trong mà để “nở” bên ngoài không quản lý được thì còn tệ hại hơn nhiều.
Tác giả bài viết: Hoài Nam