Ông nhấn mạnh rằng Facebook với hơn 1,8 tỷ thành viên có thể đóng vai trò cầu nối giúp mọi người xích lại gần nhau khi họ đối mặt với những vấn đề chính trị rắc rối hay tâm lý chống toàn cầu hóa, cũng như giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Zuckerberg viết: "Trong thời điểm như vậy, điều quan trọng nhất mà Facebook có thể làm là phát triển cơ sở hạ tầng xã hội để mang lại sức mạnh cho người dân nhằm xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì lợi ích cho tất cả mọi người."
Cũng theo nhà sáng lập Facebook, người dân trên thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa mang tính toàn cầu như khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng tị nạn và biến đổi khí hậu, những vấn đề vốn "đòi hỏi những phản ứng mang tính phối hợp" từ cộng đồng quốc tế.
Zuckerberg cũng cho rằng các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa triển khai nhiều hành động để giải quyết các vấn đề trên trên phạm vi toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh ông đã "định hướng Facebook đầu tư hơn nữa các nguồn lực vào việc đáp ứng nhu cầu trên."
Ông nêu rõ: "Hy vọng của tôi là ngày càng nhiều người trong chúng ta sẽ cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội trong dài hạn để kết nối mọi người."
Nhà sáng lập Facebook đang ngày càng thể hiện sự chủ động trong việc tham gia các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là các hoạt động từ thiện.
Hồi năm 2015, CEO Zuckerberg cùng vợ tuyên bố sẽ dành tặng 99% khối lượng tài sản - ước tính khoảng 45 tỷ USD - cho hoạt động từ thiện.
Năm ngoái, cặp đôi này đã cam kết dành tặng 3 tỷ USD trong thập kỷ tới để phục vụ công tác nghiên cứu chữa bệnh.
Nguồn tin: