Khác với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, tính tự học của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh lớp 1. Chính vì vậy, khi các cơ sở giáo dục ở thành phố Hà Nội triển khai học trực tuyến đối với cấp tiểu học trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, khó khăn dự kiến sẽ đè lên cả học sinh và phụ huynh, trong khi hiệu quả dạy và học lại không cao.
Khi các cơ sở giáo dục ở thành phố Hà Nội triển khai học trực tuyến đối với cấp tiểu học trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, khó khăn dự kiến sẽ đè lên cả học sinh và phụ huynh, trong khi hiệu quả dạy và học lại không cao. |
Từ hơn 1 tuần nay, cứ vào 7h30 phút tối là 2 con của chị Đoàn Thanh Loan, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy lại vội vàng ngồi vào bàn, mở máy tính lên để chờ đến giờ học online của lớp vào lúc 7h45 phút. Một bé học lớp 1, 1 bé học lớp 3 nhưng các môn học đều được dạy online, trong đó Toán, tiếng Việt, tiếng Anh (đối với lớp 3) học trực tuyến vào các buổi tối, còn các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Đạo đức, Thủ công, Tự nhiên và Xã hội thì một tuần 1 tiết.
Mỗi buổi tối, các con chị đều học liên tục 2 tiết, từ 7h45 đến 9h05 phút, với tổng thời lượng 80 phút. Trước đó, để các con có thể học online theo yêu cầu của nhà trường, gia đình chị đã phải mua thêm 1 máy tính nữa để mỗi con có thể học 1 máy. Khi các con vào giờ học, chị Loan cũng phải cùng ngồi học với con để hướng dẫn và hỗ trợ con trả lời câu hỏi.
“Do 2 con học cùng một khung giờ, thành ra phải chia các cháu ra, một cháu học ở phòng này, một cháu lại phải lên trên phòng trên tầng. Mới học thành ra các cháu thao tác cũng chưa được tốt, với lại đường truyền lúc được lúc không thành ra tôi cũng rất vất vả phải chạy lên chạy xuống hướng dẫn cho các con.
Mà tôi thì một mình không thể nào hỗ trợ các con tốt được, cũng rất bất cập. Học thế này nói chung cũng khổ lắm và cũng mong chương trình tinh giản bớt đi”, chị Đoàn Thanh Loan chia sẻ.
Tại một số trường tiểu học khác của quận Cầu Giấy thì triển khai học trực tuyến cho các con vào các buổi tối với các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh; các môn còn lại như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Đạo đức, Thủ công, Tự nhiên và Xã hội thì học dưới dạng xem video, các thầy cô giao bài, cuối tuần các con nộp trả bài.
Dù việc học online là không bắt buộc với tất cả học sinh, nhưng các trường nên tính toán số lượng môn học và thời gian hợp lý để việc học tạo được hiệu quả hơn. |
Việc dạy học tất cả các môn với các bài học nối tiếp chương trình là chủ chương chung của quận Cầu Giấy, nhưng nhiều phụ huynh thừa nhận, việc các con phải học đủ các môn và làm bài tập vào các buổi tối là quá sức với các con, vừa gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh trong khi hiệu quả của quá trình dạy và học không cao.
Việc học trực tuyến là không bắt buộc, nhưng nếu không đăng ký cho con học thì lại sợ con không theo kịp chương trình. Vì vậy, dù ủng hộ chủ trương dạy học trực tuyến trong thời điểm học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, nhưng một số phụ huynh kiến nghị chỉ nên tổ chức dạy học 3 môn chính là Toán, tiếng Việt và tiếng Anh.
“Tôi rất mong muốn nhà trường và các cô dạy cho con tôi 3 môn chính là Toán, Văn và tiếng Anh. Còn nếu như học các môn phụ nữa thì tôi nghĩ là nó quá với các con. Vì các con sẽ ngồi học cả tuần trên máy tính, điện thoại rất là nhiều. tôi cũng không muốn cho con tôi tiếp xúc với điện thoại và máy tính nên tôi cũng mong là hiện tại bây giờ cũng chỉ cần học 3 môn chính thôi”, chị Lê Thị Mai, quận Cầu Giấy nêu ý kiến.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng các quận, huyện triển khai dạy học trực tuyến đối với bậc tiểu học chưa nhiều. Trong văn bản gửi các Phòng Giáo dục- Đào tạo, các hiệu trưởng trường THPT ngày 17/3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện của trường mình.
Thực tế triển khai tại một số trường tiểu học cũng cho thấy, không phải trường nào cũng đủ điều kiện để tổ chức dạy các môn và không phải học sinh nào cũng có máy tính hay điện thoại thông minh để có thể tham gia chương trình học qua internet.
Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân cũng có những băn khoăn nhất định: Với những môn cơ bản thì thường dạy trực tiếp, nhưng với các môn chuyên biệt thì dạy theo dự án. Ví dụ như giáo viên các môn chuyên biệt quay các clip chuyển cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên chủ nhiệm chuyển cho phụ huynh học sinh.
“Dạy và học trực tuyến sẽ khó khăn hơn dạy trực tiếp. Bởi vì với đặc điểm trường tiểu học thì học sinh đa số các con bố mẹ nhiều bạn không trông được là gửi về quê rồi. Và ở quê thì điều kiện học tập online về đường mạng cũng như các phương tiện máy tính, ipad, điện thoại thì sẽ không được như các con ở trên này”, bà Hà cho biết.
Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, học sinh bậc tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng còn nhỏ, nên không thể tự giác học, phải có sự hướng dẫn kèm cặp của cha mẹ.
Không chỉ cấp tiểu học mà ngay đến cả cấp học mẫu giáo, mầm non, có những nhà trường vận dụng máy móc, lên kế hoạch dạy tràn khiến cả học sinh và phụ huynh hoang mang, mệt mỏi.
Thiết nghĩ, dù việc học online là không bắt buộc với tất cả học sinh, nhưng các trường nên tính toán số lượng môn học và thời gian hợp lý để việc học tạo được hiệu quả hơn. Quan trọng là nội dung bài giảng phải mang tính vừa học vừa chơi, vừa mang tính thực tiễn để phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học./.
Tác giả: Minh Hường
Nguồn tin: Báo VOV