Những trường đỉnh xưa nay như đại học Y, Dược…vẫn theo thông lệ tuyển sinh viên với số điểm gần như tuyệt đối. Một số trường khác cũng vậy. Bỏ qua một vài thắc mắc của dư luận về công tác thi cử thì điểm số cao ở xét tuyển đại học là điều đáng mừng cho hệ thống giáo dục đất nước. Nhưng thật đáng suy ngẫm khi chính ở một kỳ thi tuyển điểm số cao thế này lại có một nghịch lý khi ngành sư phạm điểm đầu vào lại thấp. Thấp như một nghịch lý với những ngành còn lại.
Cơn nóng nực của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia đã hạ nhiệt với những bất ngờ rất khó tiên lượng. Đó là điểm số trung bình cao, rất cao so với những kỳ thi trước. Ảnh minh họa: VOV |
Điểm sàn tuyển sinh đại học năm nay có mức trung bình so với mọi năm: 15,5 điểm. Hai địa điểm truyền thống của ngành sư phạm đất nước là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm thành phố HCM vẫn là những điểm sáng khi điểm tuyển sinh ở mức cao với một số bộ môn và điểm tuyển thấp nhất cũng vượt điểm sàn là điều có thể chấp nhận được. Không được lạc quan như vậy với các trường còn lại.
Cá biệt có trường đại học 10/10 bộ môn xét tuyển bằng mức với điểm sàn. Đại học là thế nếu chỉ so với những trường đại học khác ngành đã là điều bất bình thường nhưng nếu nhìn sang điểm tuyển ở các trường cao đẳng sư phạm thì thật sự là thảm họa. Không chỉ một trường có điểm tuyển đầu vào trên dưới 10 điểm. Có nghĩa là sinh viên chỉ cần đạt điểm trung bình 3/10 là đủ trở thành sinh viên cao đẳng. Điều gì sẽ xảy đến với hệ thống giáo dục khi những sinh viên này chỉ vài ba năm sau sẽ trở thành những người thày đứng trên bục giảng? Với hành trang kiến thức như vậy những người thày đó sẽ truyền thụ kiến thức ra sao cho nhiều thế hệ học sinh kế tiếp trong suốt cuộc đời làm giáo viên của họ?
Tôi nhớ có một câu danh ngôn đại khái là nếu là thày thuốc tồi sẽ làm hại một số bệnh nhân, một vị tướng tồi sẽ làm suy tàn một đạo quân trong phạm vi chỉ huy của vị tướng nhưng một thày giáo, nhiều thày giáo thiếu nền tảng kiến thức sẽ làm hỏng rất, rất nhiều học sinh của không chỉ một thế hệ. Điều di hại đã nhìn thấy trước rất rõ.
Nghề sư phạm là một nghề cực kỳ quan trọng. Nói không hề quá giáo dục là nền tảng quyết định cho sự phát triển và tồn vong đất nước. Nghề làm thày vốn luôn được xã hội trọng vọng. Để được đứng trên bục giảng phải hội tụ nhiều yếu tố và thật không dễ dàng để xứng đáng được làm thày. Vậy tại sao ở thời điểm hiện tại lại đảo chiều với nghề giáo? Rõ ràng nhiều học sinh đã không hào hứng với nghề giáo viên khi toan tính tương lai. Lương thấp, áp lực lớn, môi trường mô phạm, khó xin việc, khó biên chế…còn bao nhiêu nguyên nhân nữa để nghề giáo bị xem nhẹ và không là chọn lựa quan trọng.
Ở Hà Nội sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường để xin được một suất giảng dạy ở bất cứ trường nào đã là một việc khó khăn. Được tuyển nhưng để có được biên chế lại thêm một hành trình cam go nữa. Và thu nhập thì sao? Lương giáo viên cũng tuân thủ theo bảng lương chung của viên chức. Nó rất thấp và nói thẳng là không đủ sống. Giáo viên không như những nghề khác có thể làm thêm để kiếm thu nhập bởi đặc thù riêng của nghề giáo. Nếu có buộc phải dạy thêm và điều này đã gây nhiều hệ lụy. Thực tế việc dạy thêm đã bị cấm hoàn toàn. Mới chỉ điểm tạm vài nguyên nhân đó đã thấy nghề giáo không còn là sự hấp dẫn.
Thành phố là thế đối với những giáo viên nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Trong chương trình của quỹ “Trò nghèo vùng cao” dăm năm nay tôi đi miền núi nhiều.
Tôi đã đến hàng trăm trường học, gặp hàng ngàn giáo viên và thấu hiểu những khó khăn của họ là vô cùng so với thành phố. Những bản làng xa xôi, thiếu thốn cơ sở trường lớp, đường xá đi lại khó khăn. Có những giáo viên cắm bản trên đỉnh núi cao, xa gia đình cả năm trời. Chế độ ưu đãi giáo viên miền núi có được quan tâm nhưng chừng đó là chưa đủ để khuyến khích giáo viên sống chết cùng nghề. Có một sự thật là không ít giáo viên miền xuôi xin dạy học ở miền núi với mục đích là được vào biên chế và sau một số năm giảng dạy thì tìm cách về lại gần nhà hoặc chuyển về thành phố.
Còn nữa, không ít người tốt nghiệp ra trường nhưng không thể xin được việc làm. Có thật giáo viên đã dôi dư đến mức ấy không hay là sự bức bách của một suất biên chế đã tạo ra lực cản đáng kể của chọn lựa nghề giáo. Thêm nữa phải thừa nhận những chuẩn mực xã hội thời kinh tế thị trường trượt dốc đã tác động không nhỏ đến nhà trường. Môi trường sư phạm không còn tôn nghiêm như trước kia. Sự tôn sư trọng đạo cũng bị biến thái không nhỏ. Nhiều chuyện đáng buồn xảy ra với tình thày trò và ngay trong nội bộ giáo viên. Sự mẫu mực sư phạm bị uy hiếp.
Tựu trung đó cũng chỉ bề nổi của những gì là nguyên nhân khiến nghề giáo bị xem nhẹ và không còn là lựa chọn ưu tiên. Tôi nghĩ ngành giáo dục cần thiết phải có sự rà soát xem lại từ khâu tuyển lựa đặc biệt là biên chế. Có hay không tiêu cực trong khâu này? Câu trả lời thực ra ai cũng hiểu nhưng thật khó khẳng định. Và đó là nguyên nhân quan trọng của việc ít người còn ưu tiên chọn lựa nghề giáo.
Nghề sư phạm đang được đặt vào một trận chiến cam go khi điểm đầu vào thấp. Có thật cần thiết khi bắt buộc phải tuyển đủ sinh viên cho chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm với mặt bằng kiến thức như thế không? Vì tương lai đất nước, có lẽ ngành giáo dục phải nói không với sự tuyển sinh như một thảm họa này./.
Tác giả: Phạm Ngọc Tiến
Nguồn tin: Báo VietNamNet