Cuộc sống

Đau một chữ tình

Thấy “người cũ” giờ đây giàu có, khá giả nhưng vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án, lại còn trơ trẽn nói sẽ không bồi thường để trả thù chị về chuyện khi xưa đã cho anh ta vào tù, chị ức nghẹn họng. Chị yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp nhưng được hướng dẫn chị phải tự mình xác minh anh ta có điều kiện thi hành án. Hiện anh ta chuyển đến ở cách xa chị mấy ngàn cây số, ngoài tên người và tên tỉnh thì chị đâu biết địa chỉ cụ thể ra sao…


h1 ds VWFB jpg ashx
Hình minh họa.

Vết trượt dài của người đàn bà bị phụ tình

Ngôi nhà sàn của mẹ con chị Đoàn Thị Phượng (SN 1983, quê Hà Giang) nằm cô liêu nơi cuối bản, cạnh một khe suối nhỏ. Trước kia, nơi này từng là một mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, trong nhà lúc nào cũng réo rắt tiếng hát, tiếng khèn.

Tuy nhiên vào khoảng gần mười năm về trước, sau ngày phát hiện ra đứa con gái đầu lòng có biểu hiện không bình thường về thần kinh, một sáng nọ người chồng đã bỏ đi biệt tích. Từ đó chị Phượng ở vậy nuôi con một mình.

Bị chồng “bỏ lửng” khi tuổi mới ngoài đôi mươi nên chị Phượng có nhiều người để ý, nhưng nỗi đau khổ, thất vọng vì bị chồng lừa gạt, phụ bạc khiến thiếu phụ không đủ can đảm “đi bước nữa”. Tệ hơn, nỗi đau đớn, tổn thương, ẩn ức khiến chị chọn cách sống bản năng, buông thả trong các cuộc tình như một cách để trả thù đời.

Những người đàn ông trong bản khi đến với chị thường phải giấu giếm vợ con hoặc trộm cắp của nhà khi gùi gạo, khi vò rượu, có khi là cả con gà mái cùng ổ trứng hồng để đổi lấy chút tình của “người đẹp”.

Thiếu phụ trẻ nồng nhiệt đón nhận tất cả và cũng hững hờ, không chút lưu luyến khi họ ra về. Vậy là trong khi đàn bà ở bản tối ngày lầm lụi như con trâu con ngựa, cúc cung lao động phục vụ các ông chồng gia trưởng, quyền uy thì chỉ có chị Phượng được nhàn nhã ăn chơi, hưởng thụ.

Chỉ những khi đối diện với chính mình, chị mới thấy đau khổ, trống rỗng, tủi thân. Hơn ai hết, chị hiểu bản thân mình cũng giống như mấy cô gái điếm ở lầu hồng nơi khu chợ mậu biên bên Trung Quốc; chỉ khác là các cô gái điếm ấy đã tự bán hoặc bị bán sỉ thân xác và danh dự khi quăng thân vào cái nghề nhơ nhớp kiếm ăn; còn chị thì bán lẻ nhân phẩm của mình từng lần một.

Chị xót xa thừa nhận về bản chất mình cũng chỉ là một kẻ “bán trôn, nuôi miệng” mà thôi, không hơn không kém.

Kết cục “đi đêm có ngày gặp ma”

Trong số bạn tình của chị, có gã trai tân là Tẩn Văn Sinh nhà ở bản bên. Thường xuyên đến “tòm tem” chị Phượng nhưng khác mọi người là Sinh đã không đem theo tiền, gạo mà còn lấy của nhà chị mang về.

Sinh rất nghèo, cha mẹ vào tù vì ma tuý, nhà cửa bán hết nên thanh niên này được một người bà con cho ở nhờ tại một cái lán canh nương, Sinh có chỗ ở mà gia chủ thì không phải trông coi trộm cắp, hoặc trâu bò phá hoại hoa màu. Là thanh niên sức dài vai rộng nhưng bản chất Sinh lười biếng, từ khi bắt bồ với chị Phượng, Sinh vừa được “ăn” lại vừa được gói mang về.

Ban đầu chị Phượng cũng không đòi hỏi gì ở Sinh, thậm chí chấp nhận tình trạng “lấy miền xuôi, nuôi miền ngược”, âu cũng là “mỡ nó rán nó”, mình chẳng mất gì. Nhưng rồi lâu dần thấy việc phục vụ gã trai trẻ tổn hao sắc vóc đã không sinh lời, lại tốn của nên chị Phượng chủ động “cắt đứt” nhưng Sinh lại không chịu.

Sau đó, chị Phượng buộc phải chấp nhận “tình cho không biếu không” nhưng với điều kiện “cắt viện trợ” thì ý đồ của Sinh ngược lại. Sau khi đã “bướm chán ong chường”, gã trai chỉ còn muốn “đào mỏ” tình già.

Khi chị Phượng không cho tiền thì gã giở trò trộm cắp. Ban đầu nhà chị Phượng mất trộm con trâu, biết chắc chắn Sinh bắt trộm nhưng chị không dám tố cáo, vì nói ra khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, chỉ tổ cho cả bản chê cười.

Một tối mùa đông năm 2008, khi chị Phượng đang ngủ lơ mơ thì nghe có tiếng sục sạo trong buồng. Chị bừng tỉnh, lớn tiếng tri hô dù đã phát hiện ra kẻ trộm chính là Sinh. Sinh đã dùng vũ lực khống chế chị để lấy vàng, khi con gái chị tỉnh giấc cũng bị gã thanh niên đánh cho bất tỉnh. Rất may là hàng xóm nghe tiếng kêu cứu đã kịp thời có mặt, bắt sống kẻ cướp cùng tang vật.

Khi công an đã vào cuộc điều tra vụ cướp, Sinh buộc phải thừa nhận hành vi trộm trâu của nhà chị Phượng đã thực hiện trước đó. Mẹ con chị Phượng tuy bị Sinh đánh gây thương tích nhưng từ chối không giám định thương tật mà chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc men điều trị và yêu cầu bồi thường con trâu bị mất.

Sau đó Tẩn Văn Sinh bị tuyên phạt 4 năm tù về hai tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”, buộc phải bồi thường cho mẹ con chị Phượng tổng số tiền là 24 triệu đồng. Sinh thụ án gần 3 năm thì Sinh được tha tù, sau đó chuyển vào tỉnh Đắk Lắk làm ăn.

Về phần chị Phượng, sau vụ bị “phi công trẻ” cướp hụt và đánh cả hai mẹ con mang thương tích, tai tiếng ầm ĩ khiến chị xấu hổ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Phần vì nhan sắc của chị đã xế chiều nên đàn ông , phần vì sợ liên lụy nên đám “ong ve” cũng viện cớ đó cũng xa lánh chị. Không còn ai mang “lễ vật” đến cung phụng nên dù ốm yếu nhưng chị Phượng buộc phải lao động để mưu sinh và nuôi con.

Chị đã yêu cầu cơ quan thi hành án buộc Sinh phải thực hiện nghĩa vụ dân sự theo bản án nhưng do Sinh không có tài sản tại địa phương, bản thân chị chưa chứng minh Sinh có tài sản nơi khác nên bản án vẫn chưa được thi hành.

Vào năm 2015, sau mấy năm đi làm ăn, Tẩn Văn Sinh đưa vợ con về quê nhân dịp giỗ họ, chị Phượng được biết hiện “phi công trẻ” của chị năm xưa kinh tế rất khá giả. Thế nhưng khi chị Phượng đến gặp Sinh để đòi khoản tiền bồi thường thì anh ta chây ỳ, còn nói thẳng sẽ không trả vì thù hằn chị năm xưa đã làm cho anh ta phải vào tù.

Tức nghẹn họng, hôm sau chị Phượng lên cơ quan thi hành án trình bày rõ việc hiện nay Sinh có điều kiện kinh tế khá giả ở Đắk Lắk nhưng không chịu thi hành bản, bồi thường cho chị và yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp.

Tại đây, cơ quan thi hành án yêu cầu chị phải tự xác minh điều kiện thi hành án của Sinh với địa chỉ rõ ràng, các dữ liệu cụ thể về tình trạng tài sản sau này làm căn cứ để thi hành.

Đến nước này thì chị Phượng “bó tay” vì ngoài cái tên Tẩn Văn Sinh và chỗ ở hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk thì chị không biết cụ thể địa chỉ của gia đình Sinh ở xã, huyện nào, tình trạng tài sản hiện tại ra sao?

Chưa kể, điều kiện của chị hiện nay quá nghèo, sức khỏe yếu không thể tự mình đi xác minh ở nơi xa xôi hàng ngàn cây số? Không lẽ để kẻ hãm hại mình nhởn nhơ trêu ngươi “xù nợ” khoản bồi thường, chị phải làm sao bây giờ?

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định: “Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả kèm theo tài liệu xác minh”.

Như vậy, trước hết chị Đoàn Thị Phượng phải tự chứng minh việc Tẩn Văn Sinh có đủ điều kiện thi hành án với địa chỉ, dữ liệu về tình trạng tài sản cụ thể, rõ ràng. Hiện chị nói bản thân không biết địa chỉ gia đình Sinh ở Đắk Lắk nhưng chị hoàn toàn có thể nhờ người thân, họ hàng của Sinh cung cấp thông tin, trong trường hợp bị cản trở hoặc gặp khó, chị có thể nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Khi đã được cung cấp thông tin đầy đủ, căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của chị, sau đó phối hợp với địa phương để thi hành bản án.

Trường hợp chị không thể tự mình xác minh được thì có thể làm thủ tục thuê bộ phận Thừa phát lại vào Đắk Lắk chứng minh tài sản của Tẩn Văn Sinh. Theo Luật Thi hành án dân sự hiện hành, chỉ khi chị đã làm đủ các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể tự xác minh điều kiện thi hành án của Tẩn Văn Sinh thì mới được yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo các tài liệu liên quan.

Tác giả bài viết: Ngân Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok