Một ngày đầu thu, tiết trời vẫn còn vô cùng oi ả, chúng tôi đến thăm cô Ngô Thị Tý (65 tuổi), ở thôn Phí xá, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đúng lúc 2 bác cháu đang ăn cơm trưa, nhìn “mâm cơm” của 2 con người khốn khổ chỉ có 2 lưng cơm trắng với bát nước mắm, chúng tôi không khỏi ái ngại, xót xa… Ngồi bệt ngay trên nền nhà ẩm ướt, cô Tý ân cần bón từng thìa cơm nguội ngắt cho đứa cháu tội nghiệp.
Cô Ngô Thị Tý (65 tuổi), mắc dị tật chân bẩm sinh, khiến cô đi lại hết sức khó khăn. |
|
Khi đau ốm hay mưa gió 2 bác cháu chỉ có thể ăn cơm trắng với nước mắm. |
“Đây là cái Lương, mẹ nó là em gái ruột tôi. Em tôi không may bị lao phổi nặng, nằm viện nhiều hơn ở nhà, cái Lương không ai chăm sóc nên tôi phải cưu mang nó. Nó không có bố, mẹ nó ốm đau bệnh tật, nên ngay khi mới đẻ ra mẹ nó đã định đem cho người ta. Nhưng tôi kiên quyết giữ lại, tôi nuôi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo… Con bé bị bệnh từ nhỏ, đã 36 năm rồi cháu nó chẳng biết làm gì, hết lên cơn thì cứ ngồi một chỗ chờ ăn thôi…”. Cô Tý lại ứa nước mắt khi nói về đứa cháu bất hạnh.
|
|
Thương đứa cháu mắc bệnh tâm thần không cha, mẹ bệnh nặng cô Tý đưa về chăm sóc. |
Tập tễnh bước thấp bước cao đến bên cái giường bừa bộn, hôi hám cô Tý tiếp tục giãi bày: “Tôi cũng già yếu rồi, chỉ thương cái Lương, mẹ nó bệnh nặng chẳng sống được mấy nữa, sau này cháu tôi sẽ sống thế nào?!... Căn nhà này dựng trên đất của tập thể, cũng đã mục nát lắm rồi, nếu nó đổ không biết tôi sẽ sống ở đâu?!...”
|
Căn nhà dột nát của cô Tý |
Đưa mắt nhìn khắp lượt nơi ở của cô Tý, tôi không khỏi lo lắng. “Căn nhà” chỉ rộng chưa đến chục mét vuông đã quá cũ nát, các bức tường nhiều chỗ đã nứt toác phủ đầy rêu mốc. Phần mái bằng tấm lợp fibro xi măng cũng đã mục nát, cô Tý phải lấy ny lông che lên mọi đồ vật trong nhà, phòng khi có mưa bão… Tài sản đáng giá nhất của cô Tý, có lẽ là cái giường cũ kĩ và cái bàn gỗ đã mục chân. Nơi được gọi là bếp cũng nhỏ xíu lại ẩm thấp, tối tăm, nó bé đến nỗi, mỗi khi đun nấu gì cô Tý không thể ngồi, mà cứ phải đứng lom khom.
Căn bếp bé đến nỗi, khi đun nấu cô Tý không đủ chỗ ngồi, mà phải đứng lom khom. |
Dẫu tật nguyền đi lại khó khăn, nhưng có cái ăn, hằng ngày cô Tý vẫn phải lặn lội mò cua, bắt ốc bươu vàng, hái rau dại ven đường... Hôm nay trở trời 2 chân đau nhức, cô không ra ngoài được, 2 bác cháu đành phải ăn cơm trắng với nước mắm. Cô bảo: “Tiền trợ cấp của 2 bác cháu phải để dành mua thuốc, không dám mua thức ăn, chỉ ngày tết mới mua tí thịt thôi…”
Bản thân tật nguyền, lại cưu mang đứa cháu bất hạnh nên cuộc sống của 2 bác cháu vô cùng khó khăn. |
Quả thật, nếu không tận mắt chứng kiến thì chúng tôi khó có thể tin trên đời này vẫn còn những cảnh đời cơ cực đến thế. Ái ngại thay cho tình cảnh của 2 bác cháu, bác Đỗ Văn Sánh trưởng thôn Phí Xá chia sẻ: “ Bà Tý là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Bản thân bà bị tật nguyền lại cưu mang đứa cháu gái bệnh tật, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. 2 bác cháu sống trong căn nhà tạm bợ, mục nát cất trên đất tập thể, chúng tôi cũng rất lo lắng.Về phía chính quyền cũng đã quan tâm trợ giúp, nhưng là địa phương nghèo nên cũng không được là bao. Qua đây, tôi cũng mong muốn mọi người tạo điều kiện giúp đỡ bà ấy
|
|
Tiền trợ cấp phải để dành mua thuốc mỗi khi “trái gió trở trời”. Nên hằng ngày cô Tý phải mò cua, bắt ốc, hái rau dại làm thức ăn cho 2 bác cháu. |
Bất chợt cơn giông ập đến, nước mưa từ trên mái trống hoác trút thẳng vào trong nhà. cô Tý lại vội vàng lê cái chân dị tật đi tìm cái xô hứng nước… Mưa to quá, thoáng cái nền nhà đã lênh láng nước. Chúng tôi dù đã “chạy” khắp nhà vẫn không khỏi ướt. Để trú mưa, 2 bác cháu cô Tý ôm chặt lấy nhau run rẩy nép trong góc giường, trong khi mưa vẫn xối xả, ngoài trời thì xám xịt, tăm tối như chính cuộc đời của 2 bác cháu vậy!...
2 con người khốn khổ này cần lắm những bàn tay dang ra cứu giúp. |
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 3072: Cô Ngô Thị Tý, thôn Phí Xá, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. ĐT: 0167 487 6766 |
Tác giả: Hương Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí