Giáo dục

Đau đầu vì Thông tư 30: Hiểu sai, làm chưa đúng, Bộ "ra tay" gỡ rối

Những con dấu lời phê rập khuôn đóng nghiêm ngắn trên vở học sinh tiểu học vì cô đau đầu bởi sổ mẹ, sổ con; giấy khen từng mặt... Tất cả đều là "sản phẩm lỗi" do hiểu sai và thực hiện sai Thông tư 30 (!?)


Bo truong phung xuan nha1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc tại tỉnh Nghệ An sáng 2/8. Ảnh: Quốc Huy

Trong năm học 2016-2017, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, song sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường tránh thực hiện máy móc việc ghi nhận xét học sinh, đồng thời khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm tải và tạo hứng khởi cho giáo viên.

Qua hai năm thực hiện, tổng hợp báo cáo của 63 Sở GD-ĐT cuối năm học 2015 - 2016, Bộ GD-ĐT cho biết, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30.

Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, giúp giáo viên chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất; chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của các em. Đặc biệt đáng chú ý, học sinh - đối tượng trung tâm - biết cách tự đánh giá bản thân, biết nhận xét và mạnh dạn góp ý cho bạn…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là có nhiều giáo viên đã áp dụng một cách máy móc quy trình đánh giá học sinh. Lý do là gì?

Rõ ràng, đó là bởi giáo viên hiểu chưa rõ, thậm chí không đúng bản chất việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Trong khi đó, ở nhiều khu vực, do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, sĩ số lớp học lại quá đông khiến các thầy, các cô cảm thấy khá khó khăn để hoàn thành “công đoạn” ghi lời phê từ sổ mẹ đến sổ con. Cũng vì chưa đúng, hiểu sai, nên một số trường đã “sáng chế” ra các loại giấy khen với nội dung khá hài hước, và… ngô nghê.

giay khen hoc sinh tung mat
Giấy khen từng mặt - một sản phẩm lỗi do hiểu sai tinh thần Thông tư 30

Vậy thực tế, tinh thần Thông tư 30 đã bị hiểu sai và làm sai như thế nào?

1. Việc nhận xét rất quan trọng, giáo viên cần phải đánh giá thường xuyên học sinh nên mất nhiều thời gian? Giáo viên bị “thêm việc” nên không có thời gian chuẩn bị bài giảng, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức?

Theo Bộ GD-ĐT, các quy định trước đây đều yêu cầu giáo viên đánh giá thường xuyên vừa bằng điểm số và bằng nhận xét. Hiện nay, Thông tư 30 yêu cầu giáo viên phải nhận xét chu đáo hơn và bỏ chấm điểm trong đánh giá thường xuyên.

Đánh giá thường xuyên học sinh thực chất là không thêm việc cho giáo viên. Bộ khẳng định, việc yêu cầu giáo viên phải ghi chép quá nhiều là không đúng tinh thần của Thông tư 30.

Cách làm đúng là gì? Theo Bộ GD-ĐT, “Đánh giá thường xuyên cần nhận xét kịp thời, thể hiện được cả sắc thái tình cảm của giáo viên để giúp học sinh học tập, rèn luyện tốt. Do đó giáo viên cần coi trọng nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh, không nhất thiết phải ghi nhận xét trong đánh giá thường xuyên trên lớp học”.

2. Nhận xét phải cụ thể. Ghi nhận xét quá nhiều dẫn đến trùng lặp, sáo mòn, thậm chí nhiều giáo viên làm để… đối phó là chính?

Bộ GD - ĐT giải thích, đối với lời khen, có những lúc giáo viên khen chung chung như “cô khen em”, “em có tiến bộ”, “em cần cố gắng”… cũng đủ có tác dụng với học sinh. Tất nhiên, nếu như học sinh biết rõ vì sao được khen thì sẽ có tác dụng hơn một lời khen chung chung.

Ngược lại, với lời phê bình, góp ý, Bộ lưu ý giáo viên cần đưa ra nhận xét cụ thể, bởi lời chê chung chung không những không có tác dụng hướng dẫn mà còn khiến các em có thể hoang mang, mất tự tin.

Đối với một số môn chuyên biệt như thể dục, âm nhạc, theo Bộ GD-ĐT, việc nhận xét bằng lời ghi có tác dụng khá hạn chế. Do đó, Bộ lưu ý, giáo viên cần quan sát, nhận xét bằng lời nói trực tiếp để hướng dẫn, động viên… học sinh.

Việc học sinh liên tục được khen thì lời khen cũng không còn nhiều tác dụng. Chính vì thế, giáo viên nên tùy hoàn cảnh cụ thể mà đưa ra lời khen phù hợp.

3. Thông tư 30 đánh giá học sinh chỉ xếp loại hoàn thành và chưa hoàn thành, không chấm điểm sẽ không tạo động lực phấn đấu cho các em?

Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là một cách hiểu sai. Tinh thần của Thông tư 30 là hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho các em, và do đó, giữa học sinh rất cần học và biết cách hợp tác với nhau (thay vì cạnh tranh không lành mạnh).

Chúng ta vẫn thường nói rằng, vượt qua chính bản thân là khó khăn lớn nhất; và cụ thể trong giáo dục tiểu học, mỗi học sinh cần tiến bộ hơn so với chính bản thân trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, tinh thần Thông tư 30 hướng đến việc học sinh cần hiểu và coi trọng lời nhận xét của giáo viên, cũng như giáo viên cần phải coi trọng chính lời phê của mình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của các em ngay từ khi học cấp I.

Theo Bộ GD-ĐT, lời nhận xét của giáo viên sẽ có tác động khuyến khích, động viên, bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện của từng học sinh, hoặc giúp các em hiểu rõ mình còn hạn chế mặt nào để trau dồi, bổ sung.

Tác giả bài viết: Bạch Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok