Chị Thoa, 31 tuổi làm kế toán cho một công ty tại TP HCM, một năm trước bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu thoáng qua, uống thuốc giảm đau thì bớt. Gần đây cơn đau kéo dài liên tục, khi bước đi có cảm giác như "nước đổ dồn về một bên" trong não, người phụ nữ tự mua thuốc uống nhưng triệu chứng không giảm. Chị đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám.
Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần kinh, kết quả chụp MRI phát hiện bệnh nhân có một túi phình khổng lồ hình thoi trong động mạch não dài 40 mm, đường kính 20 mm. Bác sĩ đã hội chẩn cùng các chuyên gia Nhật Bản và Australia, quyết định điều trị bằng phương pháp đặt 2 stent chuyển dòng lồng vào nhau ngang qua đoạn mạch máu bị phình, sau đó máu sẽ lưu thông qua ống stent mà không chảy vào túi phình nữa, nhờ vậy ngăn chặn được nguy cơ vỡ túi phình.
Bác sĩ Tuấn giải thích: Túi phình khổng lồ ở mạch máu não (giant intracranial aneurysm) là chỗ giãn lớn của mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở bệnh nhân trẻ tuổi. Tỷ lệ bệnh phình động mạch não nói chung vào khoảng 3% dân số ở châu Âu và Mỹ, trong đó từ 5 đến 8% là túi phình khổng lồ, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng trên tạp chí Lancet năm 2003.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, túi phình khổng lồ ở động mạch não rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ tai biến xuất huyết và nhồi máu não. Theo tài liệu về ngoại thần kinh Youmans, các túi phình khổng lồ trong não có nguy cơ gây chảy máu não và nhồi máu não là 10%, nghĩa là cộng dồn nguy cơ gây tai biến mạch máu não cho người bệnh vào khoảng 20% mỗi năm. Khoảng từ 60 đến 70% người bệnh có túi phình trở nặng sau 5 năm và nguy cơ tử vong rất cao từ 70 đến 90%.
Phương pháp điều trị bệnh phình động mạch não
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, việc điều trị túi phình khổng lồ động mạch não trước đây rất khó khăn và đầy nguy cơ. Trước khi có stent chuyển dòng, phương pháp điều trị các túi phình này thường bằng mổ hở hoặc can thiệp trong lòng mạch máu gây tắc đoạn động mạch bị phình. Các phương pháp này có nguy cơ tử vong hoặc tàn tật sau điều trị từ 20 đến 30%. Nguy cơ tái phát túi phình sau này (túi phình lớn lên lại) lên đến 20% sau 5 năm. Đó là lý do bệnh này luôn là một trong các nhóm bệnh lý khó nhất của chuyên ngành Ngoại thần kinh.
Đặc biệt, các túi phình động mạch não khổng lồ có kích thước rất lớn, trên 25 mm, trước đây có một số hướng tiếp cận điều trị. Một là mổ hở kẹp túi phình. Hai là mổ hở nối mạch máu trong ngoài sọ và cắt bỏ động mạch phình. Ba là can thiệp trong lòng mạch máu (can thiệp nội mạch) gây tắc đoạn động mạch phình. Bốn là can thiệp nội mạch bít túi phình một phần bằng coils (là các vòng xoắn kim loại). Các phương pháp này trước đây có nguy cơ tử vong tàn tật sau điều trị rất cao (từ 20 đến 30%) hoặc nguy cơ tái phát túi phình rất cao (trên 20% sau 5 năm).
Phương pháp đặt stent chuyển dòng ra đời trên thế giới vào năm 2005. Từ năm 2007, sau các cuộc thử nghiệm trên mô hình và trên động vật, phương pháp này bắt đầu được áp dụng điều trị thử trên người. Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu thực hiện trên 53 bệnh nhân bị túi phình khổng lồ ở Buenos Aires, Argentina. Năm 2009, kết quả công bố nghiên cứu được đánh giá là một cuộc cách mạng khi phần lớn các túi phình được chữa khỏi hoàn toàn sau một năm với tỷ lệ tử vong và tàn tật sau điều trị thấp.
Vào năm 2011, sau nhiều nghiên cứu tương tự chứng minh được hiệu quả của stent chuyển dòng, phương pháp này được công nhận chính thức ở Mỹ bởi Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm FDA. Từ đó phương pháp này nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Các chuyên gia ngoại thần kinh đánh giá sự ra đời của stent chuyển dòng là một cách mạng lớn trong điều trị túi phình khổng lồ động mạch não, giúp gia tăng đáng kể khả năng điều trị bệnh này.
Ở Việt Nam, stent chuyển dòng bắt đầu được áp dụng vào các năm 2012-2013 tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội. Năm 2015-2016, phương pháp này bắt đầu được ứng dụng tại các bệnh viện miền Nam, trong số các cơ sở tiên phong có Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Những năm gần đây, trên thế giới bắt đầu xuất hiện nhiều loại stent chuyển dòng khác nhau. Các nghiên cứu thống kê đến nay cho thấy stent chuyển dòng truyền thống là loại cho kết quả tốt nhất cả về tiên lượng chữa khỏi túi phình cũng như tiên lượng tử vong, tàn tật sau điều trị.
Nhìn chung, so với các phương pháp truyền thống, việc đặt stent chuyển dòng trong điều trị phình mạch máu não có rất nhiều ưu điểm như nâng cao khả năng chữa khỏi lên đến 90-95% đối với các túi phình động mạch não khổng lồ, giảm nguy cơ điều trị xuống thấp dưới 5% với phần lớn các túi phình. Dù vậy phương pháp này không phải là hoàn hảo. Nhược điểm của nó khi áp dụng tại Việt Nam là chi phí điều trị cao hơn gấp nhiều lần các phương pháp truyền thống, tiên lượng hiệu quả về lâu dài chưa được chứng minh rõ ràng do còn quá mới. Chính vì vậy, hiện nay chỉ mới được khuyến cáo áp dụng cho các túi phình động mạch não khi không còn phương pháp điều trị nào khác.
Đau đầu liên tục coi chừng bị phình động mạch não
Những ai có nguy cơ cao bị bệnh phình động mạch não?
Túi phình mạch máu não. Ảnh: duocanbinh.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, túi phình động mạch não nói chung có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song nhìn chung hay nữ giới bị nhiều hơn, tỷ lệ xuất hiện tăng theo tuổi, nhiều nhất ở người già và trung niên. Bên cạnh đó, các nguy cơ tim mạch nói chung như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… cũng làm tăng nguy cơ bệnh lý túi phình động mạch não. Một yếu tố khác là cân nặng người bệnh, nếu béo phì thừa cân thì nguy cơ hẹp mạch máu do xơ vữa tăng, còn nếu quá nhẹ cân thì nguy cơ có túi phình động mạch não tăng.
Túi phình động mạch não có thể biểu hiện bằng nhiều cách. Phần lớn các túi phình chưa vỡ không gây triệu chứng. Khi kích thước túi phình đủ lớn, có thể gây đau đầu kéo dài, liệt các dây thần kinh đầu mặt cổ, biểu hiện là nhìn đôi, lé mắt mới xuất hiện, mờ mắt, méo mặt hoặc yếu liệt tay chân diễn tiến nặng dần. Nếu túi phình động mạch não vỡ ra sẽ khiến bệnh nhân đột quỵ với triệu chứng thường gặp là đau đầu dữ dội đột ngột, cứng cổ, lơ mơ, tê yếu tay chân, thậm chí tử vong ngay.
Bác sĩ Minh Anh khuyến cáo nhóm bệnh lý mạch máu não nói chung và túi phình động mạch não nói riêng thường yên lặng, biểu hiện không điển hình, nếu trở nặng có thể nguy hiểm tính mạng trực tiếp. Do vậy, cộng đồng cần lưu ý và tầm soát loại trừ bằng hình ảnh học tại các trung tâm uy tín khi thấy có biểu hiện đau đầu dữ dội đột ngột hoặc đau đầu kéo dài đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tê yếu nửa người, nhìn đôi, méo miệng, mờ mắt đột ngột hoặc rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê.
Hiện tại, nếu phát hiện sớm khi tình trạng người bệnh còn tốt, đa số nhóm bệnh lý mạch máu não trong đó có túi phình động mạch não có thể được điều trị khá triệt để với nguy cơ điều trị tương đối thấp. Phương pháp điều trị được chỉ định thường là can thiệp nội mạch hoặc mổ hở, tùy tình trạng người bệnh và đặc điểm thương tổn.
Tác giả bài viết: Trần Ngoan