Từ quyết định lịch sử…
Trong thông điệp đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ động hơn nữa, đồng hành sát sao hơn nữa với Chính phủ, các cơ quan nhà nước để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
“Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, càng trong khó khăn, thử thách thì tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên của đất nước ta, nhân dân ta càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Quốc hội – hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng phải chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm hơn nữa để thực hiện hiệu quả các chức năng hiến định, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra” – ông Vương Đình Huệ đồng thời nhấn mạnh “bối cảnh đặc biệt cần những quyết đáp đặc biệt”.
Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua |
Nói đi đôi với làm, sau 1 năm triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã hoàn thành 81/137 nhiệm vụ lập pháp, hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới (đạt 59,12% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững sau đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ, ngay đầu năm, Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để xem xét, quyết định nhiều nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến sự phục hồi, phát triển của đất nước trong điều kiện “bình thường mới”. Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng như nỗ lực đổi mới, hành động vì lợi ích nhân dân.
Họp “bất thường” để xử lý vấn đề cấp bách. Thực tiễn chứng minh nếu Quốc hội không cùng với Chính phủ có những quyết đáp nhanh chóng sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước. Những nội dung bàn thảo tại Kỳ họp bất thường không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, năm 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Tất cả các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ họp đều thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng và sự vào cuộc chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần đưa kinh tế nước ta phục hồi ngoạn mục |
Như lời Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: Nghị quyết được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đại biểu Quốc hội. Quyết sách đó mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với luật trong thời gian Quốc hội không họp để kịp thời đồng hành cùng Chính phủ.
Tinh thần và kết quả của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới.
… đến sức bật mới - triển vọng mới
Thu ngân sách lập kỷ lục, vượt xa so với dự toán; bội chi, nợ công trong tầm kiểm soát; GDP năm 2022 cả năm tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; các cân đối lớn được đảm bảo… Những thông tin quan trọng được công bố vào cuối năm mang theo nhiều tín hiệu tích cực, là động lực quan trọng cho mục tiêu kế hoạch 5 năm, càng quan trọng hơn khi đất nước bước vào năm bản lề của nhiệm kỳ trong thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Các đại biểu Quốc hội tâm huyết đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp trên các lĩnh vực. Điều đó thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ" |
Trân trọng hơn khi sự khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng đó khi chúng ta nhìn lại bối cảnh năm 2022 tình hình thế giới biến động phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm cũng chỉ rõ, đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Nêu những tác động tiêu cực ở trên để thấy rằng những kết quả chúng ta đạt được là hết sức trân quý. Sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế thể hiện kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, đội ngũ doanh nghiệp. Và đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội qua quyết sách “đặc biệt, đặc cách, đặc thù”.
“Nhìn tổng thể, đất nước ta đang ra khỏi đại dịch với một sức bật mới và những triển vọng mới. Bức tranh kinh tế của nước ta là gam màu sáng khởi sắc, khả quan, toàn diện. Chúng ta tự hào là công dân của một quốc gia có bản lĩnh, tỉnh táo trong học hỏi, quả cảm rút ra những bài học đắt giá từ thực tế khắc nghiệt, đặc biệt là khả năng đưa ra những quyết định linh hoạt, sáng suốt và kịp thời trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước và thế giới” – đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) bày tỏ nơi nghị trường.
Thời điểm này 1 năm trước, nhiều đại biểu Quốc hội phân vân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình là 6,0 đến 6,5% trong bối cảnh hàng loạt thách thức đặt ra. Từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và giờ đây, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Kết quả đó nói lên một điều: Nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành đúng, kịp thời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kỳ họp cuối năm 2022 |
Thách thức, khó khăn vẫn còn nhiều, song niềm tin nơi nghị trường thấy rõ, khi có đại biểu Quốc hội bày tỏ: Thế giới đang đánh giá Việt Nam như một biểu tượng nổi lên của kỷ nguyên hậu COVID-19 và khả năng mạnh lên sau đại dịch. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nhất trí cao của hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn dân và các doanh nghiệp, với sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao của Đảng, sự chủ động, đồng hành của Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, dấn thân của Chính phủ, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công những mục tiêu ngắn hạn trong năm 2023, cũng như mục tiêu dài hạn trong tương lai./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV