Trong nước

Đầu 2022 đến nay, những Ủy viên Trung ương Đảng nào bị xử lý kỷ luật?

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đã bị Khai trừ Đảng, cách chức vụ, khởi tố, bắt giam. Trong khi ông Nguyễn Thành Phong đang bị đề nghị kỷ luật.

Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong. Tại kỳ họp thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM.

UBKT Trung ương kết luận: Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND TP và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phong sinh ngày 18/7/1962, quê quán xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Phong là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XI, XII, XIII. Từ tháng 12/2015 - 8/2021, ông Phong giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khóa X, XI; Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016, khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021; khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị đã có Quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế. Tại Hội nghị bất thường ngày 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng với ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngày 4/6, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Ngày 7/6, Cơ quan CSĐT (C03 - Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế để điều tra tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định theo điều 356 bộ luật Hình sự. Việc bắt ông Nguyễn Thanh Long diễn ra ngay sau khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông này trong ngày 7/6.

Theo Bộ Công an, ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Kết luận của các cơ quan có thẩm quyền cho biết, ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; đồng thời can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm để ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19.

Bộ Chính trị cho rằng, ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1966, quê quán tỉnh Nam Định. Ông Long được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế vào tháng 11/2020. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Long được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước đó, ông Long từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương...

Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Ngày 6/6, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị Trung ương bất thường để xem xét kỷ luật ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh.

Bộ Chính trị kết luận, ông Chu Ngọc Anh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 7/6, HĐND TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp bất thường và 100% đại biểu có mặt nhất trí bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, để điều tra về tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", theo điều 219 bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Chu Ngọc Anh - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Ông Chu Ngọc Anh, 57 tuổi, quê tại huyện Ba Vì, Hà Nội, là tiến sĩ Vật lý lý thuyết. Ông Chu Ngọc Anh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII. Từ năm 2016, sau khi trúng cử Trung ương Đảng khóa XII, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ KH&CN. Ngày 18/9/2020, ông Chu Ngọc Anh được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020, sau đó được HĐND TP Hà Nội bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tiếp xúc cử tri các quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng (Hà Nội) chiều 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Ðảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Các bước thực hiện đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Ðảng và các quy định pháp luật, để người vi phạm cũng nhận ra sai sót, khuyết điểm.

“Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây", Tổng Bí thư nói.

Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok