Khu đất số 132 Bến Vân Đồn đã chuyển nhượng cho Công ty Bất động sản Phát Đạt. |
Báo cáo chuyên đề việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) do Kiểm toán Nhà nước thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp được kiểm toán cơ bản đã tiến hành kê khai hiện trạng và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra hàng loạt tồn tại. Trong đó, hầu hết đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Đơn cử như Vinafood 2 chủ yếu chỉ định cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim làm đối tác liên doanh, liên kết các dự án như: Khu đất số 132 Bến Vân Đồn (diện tích 7.886 m2), khu đất số 561 Kinh Dương Vương (diện tích 56.443 m2).
Đáng nói, tất cả các dự án chỉ định nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đều không được thực hiện mà đang dừng hoặc đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác (dự án tại số 132 Bến Vân Đồn đã chuyển nhượng cho Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt; Dự án tại số 561 Kinh Dương Vương đã chuyển chủ đầu tư từ ngày 25/11/2014 đến nay chưa triển khai).
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất theo phương thức tự thực hiện dựa trên đàm phán, thỏa thuận giữa các bên, một số trường hợp có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chưa có đầy đủ cơ sở về tính hợp lý của định giá nên dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp nhà nước và không thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là trường hợp của Vinafood 2.
Bên cạnh đó, việc góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản cũng không đúng quy định. Các doanh nghiệp để xảy ra tồn tại này có: Công ty mẹ Vinataba và Vinataba Thăng Long; Công ty CP Bột giặt Lix, Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam, Công ty CP Xà phòng Hà Nội thuộc Vinachem; Công ty mẹ, Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Vinafood 2.
Một trong những tồn tại cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho nhà đầu tư khác đối với các cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý khi chưa được Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Vinafood 2 có 06/07 khu đất được kiểm toán (đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất) không sử dụng trong 12 tháng liền kề nhưng chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi đất theo quy định, bao gồm: Khu đất tại số 270-277 Trần Văn Kiểu hợp khối với khu đất số 445 - 449 Gia Phú; số 561 Kinh Dương Vương; số 132 Bến Vân Đồn; số 400 Nguyễn Duy; số 1610 Võ Văn Kiệt (số cũ 406 Trần Văn Kiểu); số 1458 Hoài Thanh.
Ngoài ra, tại các đơn vị được kiểm toán còn để xảy ra tồn tại là dù thoái toàn bộ vốn đã góp bằng giá trị tài sản trên đất và giá trị thương quyền thuê đất nhưng vẫn đứng tên hợp đồng thuê đất; không chào bán, đấu giá công khai khi thoái vốn. Trong đó, Vinafood 2 tiếp tục bị điểm danh với hàng loạt khu đất như: Khu đất số 561 đường Kinh Dương Vương; khu đất số 161 Trần Huy Liệu.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí