Trong tỉnh

Đất khó chuyển mình

Về xã Giao An, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), ai cũng nhận thấy sự thay da đổi thịt của một làng quê với những con đường bê tông phẳng lỳ chạy dài đến các thôn xóm.

Những ngôi nhà xây với kiến trúc hiện đại thấp thoáng bên những đồi rừng, vườn cây ăn quả… Đó là thành quả từ sự nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cánh đồng bội thu ở xã Giao An

Để thực hiện Chương trình, khi mới vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền xã Giao An đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và quốc phòng - an ninh ở nông thôn. Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM để lãnh đạo, chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo, Ban điều phối xây dựng NTM cấp xã.

Trong xây dựng NTM, xã Giao An xác định giao thông nông thôn là khâu đột phá, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội. Bằng nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, Giao An đã kiên cố hóa 4km đường giao thông trục thôn và 3km đường đi ra các khu sản xuất, nâng tổng số km đường được bê tông và cứng hóa lên tới 7km, đạt tỷ lệ trên 50%.

Con đường từ trung tâm xã đến đến đường liên huyện chiều rộng nền đường tối thiểu 3,5m được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại quanh năm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Công tác thủy lợi cũng được quan tâm, xã tích cực đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt 90%.

Mục tiêu chương trình NTM là tập trung phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Với phương châm phát huy vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước hỗ trợ, cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xã Giao An đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Xã Giao An có lợi thế là đất đai rộng, phát triển được nghề chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, thỏ, gia cầm... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh. Xã đã tích cực phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức mở các lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nông dân vay vốn, triển khai các dự án chăn nuôi.

Nhờ tập trung phát triển kinh tế chăn nuôi đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Đến nay, mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt 20 triệu đồng, trên địa bàn xã không có nhà tạm, dột nát, tỷ lệ nhà xây kiên cố đạt 75% và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 10,3%, là 1 xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Lang Chánh.

Trường THCS được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Trong xây dung NTM, các tiêu chí văn hóa, xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân. Vì vậy, các lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng được địa phương tập trung thực hiện đạt kết quả tốt; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt trên 85%; lĩnh vực giáo dục đã có những bước tiến vượt bậc.

Sau 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm của xã được nâng cấp; khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp và mở rộng ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn với cơ cấu kinh tế hợp lý; gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm bớt lao động nông nghiệp, tăng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...



Tác giả: Nguyễn Xuân Hiền

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok