Tháng 6/2015, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất chuyên màu ở Thanh Hóa’’.
Mô hình trình diễn giống lạc L26 tại xã Thọ Hải |
Đề án thực hiện trên địa bàn của 6 huyện: Hậu Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương và Ngọc Lặc. Vụ đông 2014 - 2015 và 2015 - 2016, UBND huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông tổ chức thực hiện mô hình thâm canh cây ngô trên đất 2 lúa của xã Xuân Hòa với diện tích 30ha/vụ, đạt năng suất 65 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ 8 - 10 tạ/ha.
Kết quả khả quan bước đầu đã tạo ra động lực thúc đẩy cho các bên, đến vụ xuân 2017 tiếp tục triển khai 2 mô hình trồng ngô ngọt và lạc L26 tại khu vực đất bãi màu của xã Thọ Hải.
Sau 4 tháng đưa vào sản xuất, L26 đặc biệt phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Theo nhận định chung, đây là giống ngắn ngày (110 - 115 ngày), có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, phát triển nhanh, mỗi cây đảm bảo từ 22 - 37 củ, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thâm canh tốt có thể triển khai 2 vụ trong năm. Năng suất dự kiến dao động từ 50 - 55 tạ/ha, với mức giá 25.000 đ/kg lạc khô, doanh thu 125 - 135 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí lợi nhuận ước đạt 80 - 90 triệu đồng/ha/vụ.
“Lạc L26 mang nhiều ưu điểm vượt trội so với bộ giống cũ, được đông đảo bà con nông dân hồ hởi đón nhận. Tới đây địa phương sẽ triển khai phương án, mở rộng quy mô sản xuất hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích”, ông Vũ Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải bày tỏ.
Nhằm thay thế những cây màu cũ kém giá trị, tháng 9/2016 xã Yên Phong, huyện Yên Định đã đưa giống ớt Tiela - Hai mũi tên đỏ vào canh tác trên vùng đất bãi bồi sông Mã. Hộ ông Phạm Văn Bài (trú tại thôn 8) trồng thực nghiệm trên diện tích 4 sào, đến nay đã thu hoạch được 2 lứa, năng suất bình quân 1,8 tấn/sào. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hạn chế tối đa dịch bệnh, đậu quả dày, năng suất vượt ngoài sự mong đợi của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Mạch, trú tại thôn 8, làng Thị Thư chia sẻ: “Gia đình tôi trồng ớt từ năm 2012, nhưng do chất lượng cây giống không đảm bảo nên hiệu quả kém. Từ khi đưa ớt Tiela - Hai mũi tên đỏ vào canh tác, mỗi sào cho doanh thu đến 50 triệu đồng. Rõ ràng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang đi đúng hướng”, bà Mạch hồ hởi.
Ớt Tiela - Hai mũi tên đỏ mang lại vụ mùa bội thu |
Theo khảo sát của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, toàn tỉnh Thanh Hóa có 447.103ha đất trồng cây hằng năm, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 57,3%. Vùng đất chuyên màu rất lớn, tập trung tại nhiều địa phương ở đồng bằng.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, việc tập trung nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Thành công bước đầu của đề tài là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa xây dựng cơ cấu, tạo quy trình kỹ thuật canh tác cho giống cây trồng được tuyển chọn, đáp ứng với điều kiện sinh thái, thị trường tiêu thụ...
Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, những vùng đất chuyên màu sau khi chuyển đổi đều phát huy giá trị, mở ra hướng phát triển mới đầy tiềm năng cho các địa phương, giúp bà con đảm bảo cuộc sống và gắn bó hơn với đồng ruộng.
Đề án triển khai từ 6/2015 – 12/2017, tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể: Xây dựng cơ cấu cây trồng mới cho vùng đất chuyên màu; Tuyển chọn thành công 1 giống lạc, 1 giống ngô, 1 giống rau màu ăn quả phù hợp với từng cơ cấu được đề xuất; Xây dựng 6 mô hình trình diễn ứng dựng quy trình canh tác tổng hợp cho từng cây trồng, hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 20% so với cơ cấu cũ; Đề xuất quy trình kỹ thuật canh tác cho giống cây trồng được tuyển chọn. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam