Kinh tế

Đập keo – nghề mới Thanh Chương

Cha ông ta từng nói: nhân sinh bách nghệ. Trong đời sống xã hội ngày nay, một số nghề đã mất đi, lại có thêm những nghề mới. Trong đó, có một nghề đang rất phát triển ở Thanh Chương gắn với kinh tế lâm nghiệp: "đập keo" thu hút hàng ngàn lao động.

Từ nhiều năm nay, không kể nắng mưa, chị Trần Thị Yến ở xóm 1 - xã Thanh Hương lại vào rừng cùng với các chị em trong tổ “đập keo” của mình để bóc vỏ keo kiếm tiền. Từ chỗ chỉ làm cho gia đình và anh em bạn bè, nay nghề bóc vỏ keo (người dân ở đây gọi là “đập keo”) đã trở thành nghề chính của nhiều người dân xã miền núi vùng cao Thanh Hương.


Hàng ngày, chị Trần Thị Yến và những người trong nhóm cần mẫn mưu sinh bằng nghề “đập keo”

Là huyện miền núi có trên 60.000 ha đất lâm nghiệp, trên địa bàn huyện Thanh Chương, người dân đã triệt để khai thác quỹ đất này để trồng keo. Keo là loại cây gỗ tạp dùng làm nguyên liệu chế chế biến giấy và một số đồ gia dụng đang rất dễ bán trên thị trường. Cây keo sau khi thu hoạch chỉ lấy phần thân đem bán. Trước lúc cắt gọn đưa lên xe ô tô chở về nơi tiệu thụ, có một cung đoạn phải thực hiện đó là bóc vỏ keo. Trong thời gian đầu, muốn bóc vỏ keo, họ phải dùng búa hoặc một cây gậy đập mạnh vào cây keo để vỏ bong tróc ra sau đó mới tước bỏ vỏ. Sau một quá trình tích lũy kinh nghiệm, từ đập keo đã chuyển sang dùng móc sắt hoặc vật nhọn để phá và bóc vỏ, đỡ vất vả hơn nhiều.


Thanh Chương có những rừng keo bạt ngàn được khai thác luân phiên quanh năm.

Cho dù đã được cải tiến một số cung đoạn nhưng người dân vẫn gọi chung cho việc bóc vỏ keo là nghề “đập keo”. Ban đầu khi keo còn ít, vào vụ thu hoạch, các chủ vườn keo huy động mọi lao động trong nhà và một số anh em bè bạn đến làm giúp là chủ yếu. Khoảng 10 năm lại đây, khi keo đã trở thành cây trồng chủ lực của các hộ gia đình ở địa bàn miền núi, trong một thời điểm, có thể có đến hàng chục, hàng trăm hộ thu hoạch thì phải cần một lượng lớn người “đập keo” nên đã hình thành đội ngũ những người làm nghề.


Từ đập keo, nay người dân đã biết dùng móc sắt để bóc vỏ keo

Họ chủ yếu là thành viên của các hộ gia đình chưa vào vụ thu hoạch keo, có thể là anh em bà con, là dân ở các thôn xóm không có keo, thậm chí là các xã khác đến làm thuê. Mỗi tốp 5- 7 người hoặc đông hơn tùy thuộc vào số lượng keo.


Những người đập keo ăn tạm những bữa cơm giữa rừng để đảm bào thời gian làm việc

Cả ngày ăn ở trong rừng, những người này sẽ bao thầu toàn bộ các công đoạn vận chuyển keo từ nơi thu hoạch đến điểm tập kết, sau đó đập, bóc vỏ cắt gọn và bốc lên xe.


Từ đập keo, nay người dân đã biết dùng móc sắt để bóc vỏ keo

Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập ổn đinh. Chị Trần Thị Yến cho biết: Nếu làm chuyên cần mỗi ngày mỗi lao động có thể thu được từ 200 000- 250 000 đồng. Đó là một thu nhập đáng kể với những người nông dân đang là trụ cột gia đình bận bịu ruộng vườn không thể đi làm ăn xa.


Người dân xã Thanh Hương và Ngọc Lâm đang thu hoạch keo

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn huyện Thanh Chương có khoảng 2.000 người làm nghề, tại xã Thanh Hương và xã TĐC Ngọc Lâm, mỗi xã đã có 200- 300 người… “đập keo”, như vậy, hàng năm nguồn thu từ “đập keo” là một số tiền không nhỏ.


Đưa keo lên ô tô, kết thúc một quá trình “đập keo”

Với khoảng 20.000ha keo được luân phiên khai thác, rừng đang đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân các xã miền núi vùng cao của huyện Thanh Chương. Trong bài toán gộp từ kinh tế lâm nghiệp, thu nhập từ đập keo đang góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Hàng ngày, khi qua một lối mòn bên rừng, qua một tuyến đường hoặc bờ sông, khe suối ở đâu cũng dễ dàng nghe tiếng cưa xăng, bắt gặp những người nông dân mũ áo kín đầu, mồ hôi nhễ nhại, quần quật mưu sinh, tạo nên những nét đặc trưng không trộn lẫn.

Tác giả bài viết: Đình Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok