Giáo dục

Đào tạo bậc cao ngày càng... thoáng

Tình trạng bùng phát số lượng cơ sở đào tạo sau đại học đã khiến việc tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong nước hiện nay ngày càng dễ dãi.

Việc tuyển sinh, đào tạo sau ĐH trong nước ở nhiều trường khá thoáng ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chủ yếu để học viên... dễ tốt nghiệp

Trường ĐH Công nghệ thông tin có 2 ngành đào tạo sau ĐH với tổng chỉ tiêu là 130 thạc sĩ và 8 tiến sĩ. Tổng số thí sinh nhập học trong năm 2017 chỉ đạt 74%. Đáng lưu ý, số học viên phải gia hạn sau 2 năm học tập chiếm 95% và tỷ lệ học viên phải xin gia hạn tiếng Anh sau khi hết thời gian đào tạo khoảng 30%.
Phát biểu tại hội thảo về đào tạo tiến sĩ do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức vừa qua, tiến sĩ Ngô Bá Hùng, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng phương thức đào tạo tiến sĩ hiện nay ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Mặc dù có 2 phương thức tập trung (3 năm) và bán tập trung (4 năm) nhưng hầu hết nghiên cứu sinh đều chọn bán tập trung. Với phương thức này, thời gian đầu tư cho học tập, nghiên cứu rất hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập.

Một phó giáo sư tại TP.HCM rất bức xúc về tình trạng tuyển sinh, đào tạo và tốt nghiệp ngày càng dễ của một số trường. Người này nói: “Luận văn thạc sĩ được yêu cầu phải có điểm mới trong hình thức và nội dung nhưng nhiều trường đưa ra những đề tài định hướng na ná nhau để học viên dễ tốt nghiệp. Chẳng hạn với ngành quản trị kinh doanh thường có dạng đề tài về sự hài lòng của khách hàng, có khi chỉ thay đổi tên công ty A thành công ty B. Đó là lý do dù yêu cầu các trường phải công bố luận văn lên website nhưng không ít trường chưa thực hiện. Chính vì những đề tài quá dễ mà bản thân tôi đã từ chối hướng dẫn nhiều đề tài”.

Hạ chuẩn đầu vào để thu hút người học?

Ngay ở khâu tuyển sinh đầu vào bậc học này cũng đang có nhiều vấn đề: trường càng lớn càng khó tuyển sinh.

Thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy từ năm 2012 đến nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi sau ĐH giảm mạnh. Với hơn 10.000 người đăng ký dự thi năm 2012, 2013, đến năm 2014 giảm xuống còn 6.706. Đáng chú ý, năm 2017 chỉ còn 2.912 người dự thi, thấp hơn chỉ tiêu được giao. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, năm 2017 trường này chỉ tuyển bằng 1/4 số học viên cao học so với năm 2011.

Trước tình trạng khó tuyển này, nhiều trường đang có ý định hạ chuẩn đầu vào để thu hút người học. Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất thay đổi phương thức tuyển sinh thạc sĩ. Trong đó, thay vì thi toán cao cấp 1 môn cơ bản thì chuyển sang phỏng vấn đánh giá năng lực tổng hợp, thi tự luận môn cơ sở thì chuyển sang vấn đáp. Theo viện này, lợi ích với người học là giảm áp lực ôn tập môn toán!?

Theo đề xuất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, với người đã có thâm niên công tác trong lĩnh vực đăng ký dự thi sau ĐH nhưng có bằng tốt nghiệp ĐH ngành gần hoặc ngành khác thì không cần yêu cầu bổ sung kiến thức chuyên ngành. Thay vào đó, để cho học viên tự bổ túc kiến thức trong quá trình học sau khi trúng tuyển.

Cũng theo trường này, với những ngành ít thí sinh dự thi, để duy trì người học, cần mở thêm hình thức thi vấn đáp bên cạnh tự luận và trắc nghiệm.

ĐH Quốc gia TP.HCM còn đề xuất bổ sung giai đoạn dự bị nghiên cứu sinh trong đào tạo tiến sĩ. Cụ thể là cho phép các đối tượng chưa có đủ các điều kiện đầu vào tham gia giai đoạn dự bị nghiên cứu sinh trong vòng 24 tháng để hoàn thành yêu cầu đầu vào gồm: học ngoại ngữ, làm việc để có bài báo nghiên cứu, học tiền tiến sĩ…

Đề xuất này nhằm tạo điều kiện để thu hút người học bằng cách cho “nợ” đầu vào.

“Thuê học hàm” giáo sư, phó giáo sư

Tiến sĩ Ngô Bá Hùng cho rằng vấn đề còn nằm ở chất lượng người hướng dẫn. Đa số cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh đều quá bận rộn nên thời gian dành cho việc hướng dẫn, giám sát quá trình học tập nghiên cứu của người học còn nhiều hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo sau ĐH.

Đã có hiện tượng thuê giảng viên để mở ngành. Một trường ĐH tại ĐBSCL đào tạo chuyên ngành phương pháp dạy văn, tiếng Việt nhưng trường không đủ yêu cầu đội ngũ theo quy định. Trường phải “thuê học hàm” PGS của một người ngoài Hà Nội để hợp thức hóa thủ tục với giá 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng 3 năm nay người được “thuê học hàm” chưa một lần được mời vào giảng dạy hoặc ít nhất là thăm trường.

Tác giả: HÀ ÁNH

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok