"Nếu tôi nằm xuống, nằm xuống trên phim trường tôi vẫn thích hơn trên giường bệnh"
Ông đã từng dựng “Bến không chồng” thành phim điện ảnh và nay lại tiếp tục khai thác câu chuyện này theo kiểu phim truyện hình. Tiểu thuyết này có gì đặc sắc khiến ông mê say tới vậy?
Thực ra, tôi bắt tay vào thực hiện bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng là từ lời đề nghị của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Đỗ Thanh Hải muốn tôi làm một bộ phim cho Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC). Bản thân tôi rất thích làm phim về đề tài nông thôn và hai mảng về nông thôn mà tôi thích là vùng Tây Nam Bộ và Bắc Bộ. Tôi thích Nguyễn Ngọc Tư và chùm truyện của chị viết về Nam Bộ nhưng khi đặt vấn đề thì chùm truyện đó bán bản quyền mất rồi.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (áo đen) và đạo diễn Bùi Thọ Thịnh (áo đỏ) trong buổi ra mắt phim "Thương nhớ ở ai". |
Nghĩa đi nghĩ lại tôi quyết định làm lại “Bến không chồng” vì phim nhựa chưa chuyển tải hết những gì mình muốn. Tôi viết thử kịch bản. Trước khi viết, tôi có giao với Đỗ Thanh Hải là tôi cứ viết thử 5 tập, nếu Hải cảm thấy hay tôi sẽ tiếp tục viết. Sau khi viết 5 tập đầu, tôi đưa cho Hải xem thì Hải bảo hay thế là tôi viết tiếp.
Hoàn thành kịch bản, bắt tay vào làm bộ phim này tôi lại đang trong tình trạng ốm nặng. Thực ra, tôi bị tim khi đang quay nốt những tập cuối của “Hoa cỏ may” phần 3. Nhưng chính vì tình trạng sức khoẻ như thế nên khi bắt tay làm “Thương nhớ ở ai” tôi mới đề nghị cho tôi một đạo diễn phụ. Rất may, trong quá trình làm phim tôi đã không gục trên phim trường. Có những lúc mệt quá, tôi nằm luôn trên bối cảnh. Trước đó, tôi cứ nghĩ kiểu gì mình cũng ngã gục trong quá trình làm phim này.
Bệnh tim bắt buộc phải tránh kích động tinh thần trong khi công việc đạo diễn lại phải luôn đối diện với những điều đó. Ông đã phải làm gì để giữ được bình thường?
Bệnh tim tránh làm việc quá sức, tránh làm việc căng thẳng hoặc kích động tinh thần. Rất may, tôi đã kiểm soát được nên trong quá trình làm phim tôi không gặp phải vấn đề gì đáng lo. Tuy nhiên, sau khi trải qua ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Bạch Mai và hoàn thành xong phim này tôi mới vào bản.
Vào bản, tôi xây dựng một ngôi làng của mình với 20 hộ dân sống quây quần trong khuôn viên khoảng 20 hecta. Làng của tôi đối diện chùa Hương, cách trung tâm Hà Nội không xa lắm. Ở đó, tôi là trưởng thôn và cuộc sống của chúng tôi biệt lập với thế giới bên ngoài. Tôi muốn buông tất cả để tĩnh dưỡng và an nhiên. Nhưng trong quá trình sống buông đó tôi thấy những khát khao và đam mê nghề trỗi dậy.
Lúc đứng ở tâm bệnh, ông có lo lắng nếu mình nằm xuống, mọi thứ vẫn còn dang dở?
Nếu tôi nằm xuống, nằm xuống trên phim trường tôi vẫn thích hơn trên giường bệnh. Lúc đó tôi nghĩ vậy vì bệnh tim rất nguy hiểm mà lo toan, hò hét trên phim trường là điều không thể tránh khỏi. Có những lúc mình quên mất mình bị bệnh nhưng sau khi hét lên thật to xong tôi lại bình tĩnh ngồi xuống, trấn an mình, không cho phép mình kích động quá.
Ngôi làng biệt lập cách Hà Nội hơn 50km về phía chùa Hương của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. |
Từ ngày chuyển về đó sống, cuộc sống của ông như thế nào?
Thì tôi cứ sống lặng lẽ, ăn chay, tập thiền… nhưng sức khoẻ tốt lên hẳn. Mọi người sống với nhau rất vui vẻ, đầm ấm và hoà thuận. Nói chung là đó xử sở của những người thích cuộc sống trầm lặng và buông bỏ.
Khát vọng tình yêu chưa bao giờ là cũ!
Nhiều người cho rằng, đề tài về làng quê nông thôn miền Bắc đã được khai thác rất nhiều nên dễ dẫn đến cũ. Ông khai thác lại mà vẫn theo mạch trước đó, ông có lo ngại gì không?
Tôi không nghĩ là cũ. Hồi ức của những người hôm nay về một vẻ đẹp đã qua chưa bao giờ nhạt nhoà cả. Người ta đang đi tìm những cái đã mất đi để làm sống lại. Hiện nay, rất nhiều gia đình có điều kiện, người ta tìm về nông thôn để tìm hơi thở của cuộc sống làng quê những năm trước. Vì thế chuyện này là hoàn toàn mới, không hề cũ chút nào. Số phận con người muôn kiếp giống nhau, chỉ cách thể hiện là khác nhau mà thôi. Cái cũ hay không cũ là mình có thoát khỏi “Bến không chồng” hay không thôi. Cái cuối cùng vẫn là đem đến cho người xem những cảm xúc.
Theo ông, việc tái hiện lại nỗi đau của người phụ nữ xưa trong “Thương nhớ ở ai” liệu có khiến cho vết thương cũ tái phát?
Đau đớn hay không đau đớn tôi chưa bàn đến vội nhưng khát vọng là có thật. Người ngày nay đang “no xôi chán chè” nên mờ lấp đi những khát vọng. Nhưng khi xem những thân phận và cuộc đời trong phim chúng ta sẽ thức tỉnh. Tôi muốn thức tỉnh mọi người khi xem phim. Bộ phim muốn gợi lại khát vọng làm người. “Thương nhớ ở ai” có còn là câu chuyện của những người đàn bà không chồng nữa đâu mà là ai thương ai, ai trách ai, ai hờn ai… Nó mênh mông, bãng lãng lắm chứ không như những gì chúng ta nghĩ.
Hàng ngày nam đạo diễn ăn chay, ngồi thiền, trồng cây... nếu không làm phim. |
Tình yêu vốn dĩ lung linh lắm. Chúng ta đang quan hệ với nhau nhưng đã mất đi những cấp số lung linh đó. Trong phim có những cảm xúc mà có một cậu, cậu ấy hát cho cả làng nghe. Nghe cậu ấy hát xong tư sẽ tự hỏi: “Ta đã yêu chưa nhỉ?”, kể cả chúng ta đang yêu cũng chưa chắc là đang thực sự yêu. Nêu câu chuyện là thức tỉnh tình yêu, thức tỉnh khát vọng… chứ không hề cũ chút nào.
Bộ phim có một lượng diễn viên chính lẫn diễn viên quần chúng tham gia khá đông. Ông có gặp khó khăn gì khi điều hành đội diễn viên này trong suốt 34 tập phim?
Phim có nhiều diễn viên tham gia nhưng chia theo tập chứ không phải ồ ạt một lúc. 3 cô diễn viên chính và anh Vạn là đi suốt cả bộ phim nhưng xen vào đó là xuất hiện rồi mất, xuất hiện rồi mất. Nó xuất hiện như những cung bậc màu sắc.
Một điều tôi muốn kể là để chọn được bối cảnh cho phim tôi phải qua 18 ngôi làng khác nhau. 18 làng của 6 tỉnh để tạo được thành một làng Đông nên khi xem phim khán giả sẽ thấy cảnh của làng Đông này đẹp như một bức tranh. Đó là điều rất quý. Vì ngôi làng đó đã mất rồi, có thể đang chìm dưới đáy của một thuỷ điện nào đó. Khán giả xem phim sẽ thấy có một ngôi làng đẹp đến vô cùng, những con người đẹp đến vô cùng… đó là điều không dễ gì làm được.
Việc chọn những diễn viên mới toanh đảm nhận các vai chính trong phim có được xem là một sự thử thách mình của bản thân ông?
Từ xưa tới nay tôi toàn thế chứ không riêng gì trong phim này. Cái đó là thói quen làm phim của tôi. Tôi chọn diễn viên khi thấy họ trúng với nhân vật của mình chứ không phải chọn diễn viên có tên tuổi. Trong “Thương nhớ ở ai” tôi có táo bạo một chút đó là mời cả diễn viên Việt kiều như Lâm Vissay đóng vai chính hoặc cô bé diễn viên miền Nam đóng.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: Báo Dân trí