Nguyễn Tri Phương (1800-1873) xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp ở làng Đường Long (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay). Đầu thời vua Minh Mạng, ông được cất nhắc giữ một chức quan văn nhưng đã lập không ít võ công cho triều Nguyễn. Với tài năng của mình, tướng Nguyễn Tri Phương lần lượt làm quan dưới cả ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Dưới con mắt của vua Tự Đức, Nguyễn Tri Phương là bề tôi trung thành, võ tướng trí dũng song toàn và thanh liêm. Ông được giao cho nhiều trọng trách, đi rất nhiều nước, trong đó có cả những vùng thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ để học hỏi kinh nghiệm chiến đấu. Ông cũng trải qua nhiều trận mạc với những năm tháng chống giặc Xiêm và "thổ phỉ" ở phía Nam.
Quyết đánh nhưng không nóng vội
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Đà Nẵng. Với lệ thế về hỏa lực và quân số, liên quân khiến triều Nguyễn liên tục thất bại, mất nhiều thành, đồn, nhiều tướng sĩ tử trận. Vua Tự Đức đã cử Nguyễn Tri Phương đang làm quan ở Nam kỳ, ra làm tổng chỉ huy chống thực dân Pháp ở Đà Nẵng.
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương bằng đồng đặt tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Khi tới Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương không vội dẫn quân phản công đánh chiếm lại thành ngay mà thực hiện chiến thuật ứng phó dựa vào sức dân, cẩn trọng xem xét lại tổng thể tình hình, vẽ địa đồ và kế sách đánh.
Trong sớ gửi về triều đình, Nguyễn Tri Phương nhận định quân địch chiến đấu thì lợi, còn quân ta thủ thì sẽ hơn. Ông đề nghị nên giữ vững những mặt trận còn lại để tìm cách cự chiến, đắp xong đồn lũy rồi dần dần mới xông tới, xác định đánh lâu dài với địch. Ông vận động người dân bất hợp tác với giặc, để lại vườn không nhà trống những vùng bị tấn công.
Triều đình sau đó chấp thuận việc chỉnh đốn lại quân ngũ, sửa sang đồn luỹ. Nguyễn Tri Phương lệnh cho quân làm lại công sự, sửa lại đồn, đặt lại các vọng lâu để dễ bề quan sát, ứng cứu. Thấy nhà Nguyễn dường như án binh bất động, liên quân Pháp - Tây cũng không mở rộng phạm vi chiếm đóng.
Lợi dụng tình thế này, Nguyễn Tri Phương cùng binh lính và người dân xứ Quảng ngày đêm lập phòng tuyến dài từ chân núi Cẩm Khê đến đồn Liên Trì dài 3 km. Phòng tuyến gồm nhiều hầm dích dắc, dưới cắm chông, trên phủ cát và chướng ngại vật nguỵ trang, cách một đoạn có một ổ kháng cự, một khẩu đại bác cùng khoảng 10.000 quân trấn giữ.
Một viên tướng trong quân đội Pháp phải thừa nhận: "Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản". Còn Savin de Larclause - sĩ quan trong đội quân viễn chinh ở Đà Nẵng, nói "những người An Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong nghệ thuật chiến tranh. Chúng tôi chỉ đẩy đuổi được quân địch vài trăm thước, họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới ngay trước mặt".
Phục kích, đánh tỉa bất ngờ
Quân giặc tấn công vào lũy từ ba mặt nhưng liên tiếp bị phục kích phải dừng lại hoặc rơi xuống hố chông, bị bắt và giết khá nhiều khiến tâm lý hoang mang. Nguyễn Tri Phương cho quân liên tục vây ép, đánh tỉa cũng như phục kích để tiêu hao sinh lực địch khi đi tuần, hoặc đi săn ở nơi vắng vẻ.
Nếu như trước đây liên quân Pháp - Tây dễ dàng tiến vào Đà Nẵng và hầu như không nếm mùi thương vong, thì khi Nguyễn Tri Phương có mặt, họ hứng nhiều tổn thất. Số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu ngày một tăng, nhiều tàu chiến cũng bị bắn thủng, nước tràn vào đe dọa chìm.
Người dân đến xem triển lãm 160 năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, khai mạc tại Hoà Vang hôm 29/8. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Gặp phải sự chống trả quyết liệt trong khi binh lính chán nản vì thiếu lương thực, bệnh tật và mất ăn mất ngủ, Rigault de Genouilly - Đề đốc tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây đã phải bỏ ý định đánh chớp nhoáng Đà Nẵng rồi tấn công kinh thành Huế như kế hoạch ban đầu.
Đầu tháng 2/1859, nhận được tin Rigault rút bớt lực lượng ở Đà Nẵng để tiến vào đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Tri Phương lập tức cho quân tiến lên, thu nhỏ phạm vi hoạt động của địch, lập lại các đồn Phúc Ninh, Thạch Giản, Hải Châu. Ông cho đào phòng tuyến liên tiếp giữa đồn nọ với đồn kia, sát đến đồn Điện Hải nơi địch đang chiếm đóng để bố trí mai phục.
Dưới lòng sông Hàn, quân An Nam dùng xích sắt chắn ngầm ngang lòng sông Hàn để tàu chiến không thể vào sâu đất liền. Liên tiếp hai ngày 6 và 7/2/1859, quân đội triều Nguyễn dốc toàn lực đẩy quân của đại tá hải quân Toyon ra vùng cửa sông. Toyon phải đánh điện kêu cứu với Rigault.
Ở triều đình, trước tinh thần phần phấn khởi khi đẩy đuổi và vây hãm được giặc, vua Tự Đức đã ban cho tướng Nguyễn Tri Phương một thanh ngự kiếm (kiếm vua dùng) và sâm quế. Còn binh sĩ được thưởng 100 quan tiền và lệnh cho quan tỉnh Quảng Nam mua trâu, rượu về mở tiệc khao quân.
Tướng Rigault vì đã lỡ đem quân đánh Gia Định nên phải chờ xong nhiệm vụ mới trở ra Đà Nẵng tiếp cứu cho Toyon. Tuy nhiên, cuộc đánh chiếm lần hai không còn dễ dàng. Liên quân bị thiệt hại hàng trăm người trong tổng số khoảng 2.000 quân. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Rigault thất bại hoàn toàn.
Trận đánh ở đồn Liên Trì ngày 15/9/1859, do quân địch hỏa lực quá mạnh, quân ta bị thương vong hơn 100 người và gần 100 nhà dân bị đốt phá. Nguyễn Tri Phương đã thẳng thắn dâng sớ xin nhận tội. Vua đồng ý giáng chức nhưng vẫn để ông tiếp tục ở lại Đà Nẵng lập công chuộc tội. Khi chiến sự càng kéo dài, ưu thế chiến trường nghiêng dần về phía quân triều đình.
Chiến thắng liên tiếp của binh lính dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương đã buộc liên quân Pháp - Tây giậm chân tại chỗ trên doi đất nhỏ hẹp dưới chân núi Sơn Trà. Thiếu lương thực, thêm hàng trăm lính ốm, chết vì bệnh tả, Pháp hai lần xin nghị hòa để hoãn binh và chấp nhận rút quân về nước ngày 23/3/1860.
Trong một báo cáo, tướng Rigault de Genouilly viết: "Chính phủ đã nhầm về tính cách cuộc can thiệp ở Việt Nam... Người ta nói rằng xứ này không có binh lính, quân đội thì sự thật, quân đội ở đây rất dũng cảm". Và "không thể không công nhận rằng một cuộc chiến tranh chống nước này còn khó hơn là một cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa".
Chống Pháp đến hơi thở cuối
Với chiến thắng ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương trở thành vị tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống xâm lược từ phương Tây. Vị thế của ông trong mắt vua Tự Đức được nâng lên.
Tượng Nguyễn Tri Phương tại lối vào thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Năm 1860, ông tiếp tục được giao trọng trách cầm quân chống Pháp ở Gia Định. Lần này, ông bị thương, thành Gia Định mất nên bị giáng chức. Về sau, Nguyễn Tri Phương được cử làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ để đối phó với thực dân Pháp đang lăm le đánh thành Hà Nội.
Sáng 20/11/1873, Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiến đấu ở Cửa Nam Thành khi quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Ông bị thương, bị bắt khi giặc chiếm được thành. Phía Pháp muốn cứu chữa hòng mua chuộc nhưng bất thành. Vị tướng già đã từ chối việc băng bó vết thương, tuyệt thực và nói rằng: "Nếu ta chỉ gắng sống lay lắt thì sao bằng ung dung chết vì việc nghĩa".
Tròn một tháng sau, ông qua đời. Vua Tự Đức cho lập đền thờ tại quê nhà và lệnh cho thờ ông ở đền Trung Nghĩa (Hà Nội). Lễ tế ở các đền thờ ông được tổ chức thường niên vào mùa xuân và mùa thu. Trong bài văn tế, vua Tự Đức đánh giá danh tướng Nguyễn Tri Phương là "bậc anh kiệt".
Ngày nay, làng Đường Long vẫn còn đền thờ vị danh tướng 15 năm ròng kháng Pháp. Tại cổng vào thành Điện Hải (Đà Nẵng), tượng Nguyễn Tri Phương uy nghi hướng mặt ra sông Hàn như một biểu tượng cho khí phách chống ngoại xâm, trung kiên bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tư liệu do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress