Kinh tế

Thanh Hóa: Danh tiếng của bưởi Luận Văn

Là giống bưởi quý, có ngoại hình đẹp nên bưởi Luận Văn là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Thậm chí, nó còn được lựa chọn để đưa về trồng tại vườn cây Bác Hồ vào năm 1979 và hiện nay vẫn đang phát triển tốt.

Theo tục truyền, bưởi Luận Văn có nguồn gốc từ thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân trước năm 1385. Sản phẩm gắn liền với khu di tích lịch sử Lam Kinh (hiện nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1428) đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi đóng quân tại đây và có sử dụng sản phẩm bưởi của địa phương.

Vua Lê Thái Tổ đã lấy tên làng Luận Văn đặt cho sản phẩm bưởi của làng. Từ đó, hàng năm người dân địa phương chọn bưởi Luận Văn làm sản phẩm Tiến vua (Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Xương, 2010).

Vào các dịp lễ tết, bưởi Luận Văn thường hay bị "cháy hàng". Ảnh: Dantri.

Ban đầu giống bưởi Luận Văn chỉ được trồng tại làng Luận Văn, sau đó được nhân rộng ra các xã Thọ Xương, Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Phú và một số xã khác của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Về giá trị tiêu dùng đối với người dân Á Đông, bưởi Luận Văn có màu vỏ quả, cùi, và tép đều đỏ. Đặc biệt, vỏ quả khi chín vào dịp tết Nguyên đán có màu đỏ thẫm (đậm hơn bưởi gấc), túi tinh dầu tỏa hương thơm đặc biệt. Nếu dùng rượu lau, vỏ quả càng đỏ và đẹp hơn, mùi thơm của tinh dầu tăng lên. Chính nhờ đặc điểm này, ngoài chức năng thực phẩm thông thường, bưởi Luận Văn còn được người dân lựa chọn là quả ưu tiên đầu tiên trong mâm ngũ quả ngày tết để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và cầu may mắn (màu đỏ thể hiện sự may mắn, phát tài...).

Đến nay, diện tích bưởi Luận Văn đang cho khai thác quả khoảng 130 ha với quy mô vườn đa dạng: nhỏ 2-3 cây/vườn, trung bình 30-40 cây/vườn; lớn nhất 50 cây/vườn. Quả bưởi Luận Văn có giá trị kinh tế cao, giá bán tại vườn 40.000-50.000 đ/quả, tương đương với 800.000-1.000.000 đồng/cây.

Tác giả: Phương Thảo - Hương Trang

Nguồn tin: Khoa học & Phát triển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok