Liều mạng qua sông
Có mặt tại xã Phùng Minh ngày mưa gió, mới cảm nhận rõ sự khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây, họ không thiếu con chữ, không thiếu ánh điện hay những can nước sạch…điều họ cần ở đây là một chiếc cầu chắc chắn, nối hai bờ sông Âm. Gửi chiếc xe gắn máy tại hộ dân sống gần bờ sông Âm, tôi vội vã chạy thẳng về phía chiếc cầu phao đang mấp mô, lên xuống cùng dòng nước chảy siết vào ngày mưa. Chưa kịp quan sát chiếc cầu phao được chế tạo như thế nào, thì sau lưng tôi là tiếng gọi nhau í ới, nô đùa của đám học sinh. Đi học về khi chiếc khăn quàng chưa kịp tháo khỏi cổ, áo mưa chưa mặc vào, các em đã vội vàng sắn thật cao gấu quần, dắt chiếc xe đạp của mình dón dén đi qua cầu.
Học sinh hàng ngày đi học đều qua sông bằng cầu phao. |
Em Lê Vĩnh Huân, học sinh lớp 8, thôn Tân Lập tâm sự: Mỗi ngày cháu đều dắt xe đạp đi trên cầu phao này để đến trường, cháu cũng sợ, ngay từ nhỏ là bố mẹ phải dạy bơi để đề phòng trường hợp qua cầu đi học mà không may ngã xuống sông.
Người dân thuộc 4 làng:Làng Mui, Xuân Lai, Lãi, Tân Lập là có tỉ lệ học sinh và người dân qua cầu nhiều nhất xã Phùng Minh. Theo quan sát, cầu phao có chiều dài khoảng 35-40m, chiều rộng 1-1,3m, được làm chủ yếu từ những tấm ván đã cũ đóng chặt vào thân những cây luồng dài, mọi bộ phận cầu đều được cột bằng dây thừng, dây thép. Thân cầu được đóng chặt vào những cây luồng dài, để giúp cầu nổi, người dân đã đóng chặt vào mỗi bên cầu từ 12-14 chiếc thùng phuy.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Xuân Lai hiện đang có con học lớp 7 chia sẻ: Nhiều hôm sợ con đi qua cầu không may ngã xuống sông, mấy chị em phụ huynh chúng tôi rủ nhau cùng dẫn các con qua cầu. 7 năm cháu đi học đều qua sông bằng cầu phao, nếu mưa to nước dâng cao thì đi bè mảng, những ngày nước sông mà chảy siết, thì tôi điện xin phép nhà trường cho cháu nghỉ.
Người dân đi qua cầu, như chơi mộn thể thao mạo hiểm. |
Bác Hoàng Văn Huy (59 tuổi, Thường Xuân) cho biết: Bất đắc dĩ lắm thì mới đi qua cầu phao này, mặc dù biết khá nguy hiểm. Dắt xe máy đi qua cầu, cảm giác rất lo sợ, vì cầu bé lại trơn trượt, mấp mô, thậm chí nhiều chỗ có tấm ván gỗ đã lung lay, chon nên mong muốn ở dòng sông Âm này có một chiếc cầu, để người dân nơi đây đi lại an toàn.
Theo người dân nơi đây, đi xuôi dòng sông khoảng 10km là có một chiếc cầu, nhưng rất ít ai ở xã Phùng Minh đi đường đó, vì đi như thế quãng đường sẽ kéo dài thêm 20km. Hiện tại ở khu vực xã Phùng Minh có 3 chiếc cầu phao, mỗi cầu hàng ngày có vài chục người qua lại, đa số là học sinh và phụ huynh đưa đón và người dân trong xã.
Mong ước xây cầu
Hầu hết những cây cầu phao tạm bợ đã xuống cấp, thiếu phương tiện cứu hộ khi xảy ra tai nạn, hai bên bờ sông lại cách xa khu dân cư…nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước là điều không phải bàn cãi. Trong mùa nước lũ, mực nước của dòng sông lên cao, khoảng cách đôi bờ sông được mở ra, thì cầu phao không còn là phương tiện qua sông nữa, chủ yếu người dân vượt sông, thách thức Hà Bá, đánh cược tính mạng trên những chiếc bè mảng tự chế từ thân cây luồng ghép lại với nhau.
Anh Đỗ Minh Tuấn, trú làng Mui nói: Có nhiều trường hợp khi đi qua cầu phao hay bè mảng đã ngã xuống sông, rất may là chưa có trường hợp nào bị đuối nước. Do lo sợ con cái đi học, đi qua sông không an toàn nên khi vào cấp 1, tối đã xin cho con đi học ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Dẫu biết là học ở Thường Xuân chính sách ưu đãi của Nhà nước bị hạn chế, nhưng không còn cách nào khác, nếu như có một cây cầu chắc chắn qua sông Âm, tôi sẽ xin chuyển trường cho con về học ở Phùng Minh, cho tiện đường.
Mong rằng trong tương lai gần, cầu bê tông sẽ thay thế những chiếc cầu phao tạm bợ. |
Có lẽ lý do có một cây cầu để cho thế hệ sau được đi học ngay chính xã đang cư trú là ước mơ nhỏ bé. Trên hết, vai trò quan trọng của việc xây dựng một chiếc cầu nói hai bờ sông Âm là đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, tình trạng nơm nớp, lo sợ mỗi khi đặt chân lên những chiếc cầu phao thiếu an toàn không còn nữa.
Hòa cùng nỗi lòng của người dân, ông Ngô Trọng Túc – Chủ tịch UBND xã Phùng Minh cho biết: Thời gian gần đây Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã cử cán bộ xuống khảo sát tình hình để tính phương án xây cầu, người dân trong xã nghe tin ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên thời gian chính xác khởi công xây dựng cầu ở sông Âm vẫn không thể rõ được.
Đã có tín hiệu vui về phương hướng xây cầu cho người dân xã Phùng Minh, nhưng câu trả lời về thơi gian chính xác khởi công xây dựng cầu vẫn đang là câu hỏi. Nhiều năm nay, người dân nơi đây luôn mong ngóng có một cây cầu an toàn để cuộc sống mưu sinh, qua lại dễ dàng hơn, nhưng đó vẫn là ước muốn không gần.
Tác giả: Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường