Kinh tế

"Đánh bạc" với rau sạch

Để bảo đảm các tiêu chí về rau sạch, nhiều lúc, họ phải chấp nhận những rủi ro do sâu bệnh, thời tiết thất thường cũng như nhiều trở ngại ban đầu trong việc tìm kiếm niềm tin từ khách hàng. Bởi vậy, để theo đuổi nghề này, những người làm nông nghiệp sạch phải có kiến thức cơ bản, luôn tìm tòi, sáng tạo và đặc biệt là phải đủ đam mê.

Nằm khiêm tốn bên cạnh chợ Lý Hòa ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cửa hàng rau rạch An Nông luôn tấp nập người đến mua các loại rau củ quả. Cô giáo Hồ Thị Hoài Nhi, Trường mầm non Hải Trạch, Bố Trạch cho biết: "Trước đây, đi chợ mua thực phẩm rất khó khăn, không biết mua như thế nào cho an toàn. Kể từ khi có rau sạch An Nông, ít nhất, em cũng có thể yên tâm vì đã mua được rau an toàn cho gia đình. Trường em cũng thường xuyên lấy các loại rau, củ, quả ở đây để chế biến bữa trưa cho các cháu".

Rau An Nông đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap và xây dựng được thương hiệu trên thị trường rau an toàn ở Quảng Bình.

Cô Nhi cũng chia sẻ, cô đã về tận vườn tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất rau nên mới đặt niềm tin vào rau An Nông.

Hiện tại rau sạch An Nông đạt tiêu chuẩn Vietgap của vợ chồng anh Lê Đình Quả, chị Lê Thị Thanh Thủy đã tạo được chỗ đứng trên thị trường rau an toàn ở Quảng Bình. Song, không phải ngay từ đầu, mọi việc đã thuận lợi và cho đến tận lúc này, cũng chưa hết những khó khăn.

Đang có công việc ổn định với nhiều cơ hội thăng tiến tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, hai vợ chồng anh Quả, chị Thủy bỏ ngang về quê trồng rau sạch trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, làng xóm và sự phản đối quyết liệt của gia đình. Quê ở Hà Tây nhưng anh Quả lại chọn Quảng Bình quê vợ để lập nghiệp với nghề trồng rau sạch.

“Quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy việc trồng rau sạch ở Quảng Bình sẽ gặp khó khăn do thời tiết. Nhưng ngược lại, ít người làm nghĩa là thị trường rau an toàn còn bỏ ngỏ. Nếu mình chịu khó tìm tòi, cùng với việc áp dụng những kiến thức hai vợ chồng có được, cơ hội thành công sẽ nhiều hơn”, anh Quả cho biết. Sau khi tìm hiểu kĩ lưỡng, vợ chồng anh quyết định dồn hết vốn liếng mua mảnh đất 2,5 ha ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Trong đó, 1,2 ha dùng để trồng rau sạch.

Khác với vợ chồng anh Quả, chị Nguyễn Thị Phương Lan vốn là người ngoại đạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp 1 Hà Nội, năm 2013, khi đang làm kế toán cho một doanh nghiệp, chị Lan bỏ giữa chừng về vùng cát Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cùng gia đình đấu thầu đất làm trang trại.

Hoàn toàn nói không với các loại hóa chất, như: thuốc trừ sâu, chất kích thích; dựa vào thời tiết, mùa nào thức đó hay luân phiên đổi đất liên tục để hạn chế sâu bệnh là những kinh nghiệm làm vườn truyền thống của người dân bản địa mà Phương Lan đang tích cực áp dụng vào trang trại của mình. Đó chính là phương thức canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên. Các sản phẩm nông nghiệp được làm ra từ phương thức này bảo đảm cho khách hàng yên tâm về độ an toàn đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, sản lượng, năng suất lại rất thấp và không phải lúc nào cũng đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Phương Lan chia sẻ, làm nông nghiệp sạch cũng gần giống như "đánh bạc". Cứ đến vụ là mình trồng, đến giai đoạn thu hoạch có khi mất trắng. Chẳng hạn như dưa hấu, nhiều lúc mình cũng muốn tính dưa đúng lễ, ngày rằm nhưng không tính được".

Làm nông nghiệp sạch phải đối diện với nhiều rủi ro, năng suất có thể thấp hơn, trong khi chi phí cho thuốc trừ sâu thảo mộc, nhà lưới, làm bẫy sinh học cao hơn nhiều so với phương thức trồng rau thông thường.

Đặc biệt, thời tiết thất thường, khắc nghiệt ở vùng đất Quảng Bình càng cản trở những người trồng rau sạch. Ngay cả những người dày dạn kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này như vợ chồng thạc sĩ, kỹ sư nông nghiệp Lê Đình Quả, Lê Thị Thanh Thủy cũng không ít lần đau đầu với bài toán lợi nhuận.Vợ chồng anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tiền lãi cơ bản chỉ mới đủ kinh phí trang trải nhu cầu thiết yếu hàng ngày, chứ chưa dám mơ đến chuyện làm giàu.

Trồng rau sạch đã khó, làm sao để thị trường tin đó là rau sạch còn khó hơn. Để mọi người tìm đến và tin dùng sản phẩm của mình, ngoài việc bảo đảm các yếu tố về chỉ số an toàn, chị Lê Thị Thanh Thủy còn chịu khó, sáng tạo trong cách tiếp thị. Chị Thủy kể: "Khi mình nói làm rau sạch, họ không tin. Bởi vậy, mình luôn mong muốn khách hàng lên tham quan trang trại của mình. Để khách hàng biết đến rau An Nông, đầu tiên mình cắt đi làm quà cho người thân. Họ ăn thấy rau có vị ngon, bảo đảm, cách bảo quản không giống với những loại rau phun kích thích, các loại hóa chất khác.

Khoai Bảo Ninh được trồng theo phương thức hữu cơ, thuận tự nhiên ở trang trại của chị Phương Lan.

Người dân xung quanh cũng sang quan sát, thấy không phun thuốc thì họ sang mua rau, rồi xin nhổ rau má... Từ vị rau, cách bảo quản và cảm nhận thực tế, họ dần tin tưởng và truyền miệng cho nhau. Đặc biệt, sau khi được công nhận chuẩn Vietgap thì rau sạch An Nông dần tạo được uy tín với khách hàng”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế của mạng xã hội cũng được những người trồng rau sạch đặc biệt quan tâm. Sau khi gây dựng uy tín đối với khách hàng, họ chỉ cần cập nhật thông tin về các sản phẩm rau, củ, quả lên mạng xã hội thì ngay lập tức, rất nhiều người đặt mua, dù giá có thể cao gấp đôi, gấp ba thị trường. Họ đều là những khách quen, từng dùng sản phẩm rau sạch của vườn, thậm chí đã về tận vườn tham quan, tìm hiểu. Và đó chính là nguòn động viên để những người tiên phong như chị Phương Lan và vợ chồng anh Quả có thêm động lực bước tiếp.

Hiện tại, chị Phương Lan vừa mới đầu tư hệ thống nhà lưới mở rộng trồng rau sạch với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn. Trang trại An Nông cũng đang hướng tới việc ứng dụng công nghệ trồng rau sạch nhằm giảm thiểu những rủi ro do thời tiết, sâu bệnh gây ra. Tuy nhiên, họ vẫn còn gặp khó bởi nguồn vốn quá hạn hẹp. Nếu như có sự hỗ trợ thì hẳn rằng, việc theo đuổi nghề trồng rau sạch sẽ bớt gian nan hơn và người dân sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thực phẩm sạch trên thị trường.

Tác giả: Hương Lê

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok