Trong nước

Đang xác minh trường hợp liệt sĩ trở về sau 33 năm "hi sinh"

Ông Trương Văn Chóng (58 tuổi) được xác định đã hi sinh năm 1985 và công nhận là liệt sĩ. Gia đình mấy chục năm trời nhang khói, thờ tự. Nửa đêm mùng 5 tết Mậu Tuất, ông Chóng bất ngờ trở về bằng xương bằng thịt, trong sự bàng hoàng của mẹ già và anh chị em.

Ông Chóng đang nói chuyện với mẹ ruột của mình trong ngày đoàn tụ

Ngày 22/2, ngành LĐTB&XH huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cùng các đơn vị có liên quan đã đến nhà của ông Trương Văn Chóng (ấp Định Hòa B, xã Định Môn) để xác định nhân thân liệt sĩ của ông.

Cùng ngày, nguồn tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ cũng cho biết, sau khi nhận được báo cáo từ huyện Thới Lai, Sở sẽ tiếp tục rà soát lại với cơ quan quân đội (nơi cấp giấy báo tử quân nhân). Nếu đúng là liệt sĩ Trương Văn Chóng trở về, sẽ xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng xử lý tiếp theo về chế độ chính sách người có công.

Ông Chóng là con trai thứ 6 của bà Huỳnh Nía (87 tuổi, ngụ ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Ông Chóng đi chiến trường Campuchia năm 1983, được xác định hi sinh năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ năm 1993.

Tiếp xúc với PV, bà Nía cho biết: Mới đây, nửa đêm mùng 5 tết Mậu Tuất, trước sân nhà bà có tiếng của người đàn ông lạ cứ la lớn: “Tư Cao, nhà Tư Cao ở đâu”. (Tư Cao là tên người anh ruột thứ tư của ông Chóng - PV). Do xa quê đã 33 năm, lại không nhớ rõ tên cha mẹ, chỉ nhớ tên người anh trai thứ tư, nên ông Chóng gọi như vậy.

Bằng Tổ quốc ghi công của ông Chóng được công nhận năm 1993

Khi nghe có tiếng người gọi trước sân nhà, bà Nía thức giấc đẩy cửa ra xem thì thấy mấy đứa con bà đang vây quanh người đàn ông lạ mặt.

“Thấy tôi, người đàn ông lạ chạy tới trào nước mắt nói: “Má, con Chóng đây má ơi”. Lúc đó, tôi nhìn vào bàn thờ đứa con trai thứ 6 là liệt sĩ, mấy chục năm qua chưa ngơi nhang khói, rồi tôi nhìn người đàn ông lạ mặt sửng sốt không thể tin nổi. Cả tiếng đồng hồ sau khi con gái thứ 3 của tôi xác định đây là thằng Sáu Chóng, tôi mới dám tin. Hai mẹ con ôm nhau khóc”, bà Nía kể lại.

Theo lời kể của ông Chóng, trong một trận chiến ở Campuchia, ông bị thương nặng ở tay rồi hôn mê. Sau đó, ông được một người phụ nữ địa phương cứu chữa, đem về nhà cưu mang. Thời gian trôi qua, ông sống chung với người phụ nữ này như vợ chồng. Do di chứng của vết thương, ông không nhớ gì về quê hương, gốc gác!

Ông Chóng trong ngày vui trở về quê hương sau 33 năm.

Tiếp tục sinh sống tại Campuchia, ông Chóng lấy người vợ thứ hai bản xứ và sinh được 2 người con. Cho đến khoảng 8 năm trước, ông Chóng lấy vợ khác và trở về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh sinh sống.

Gần đây, ông Chóng hỏi thăm nhiều người về quê hương mình. Đến chiều mùng 5 Tết vừa qua, ông Chóng quyết định tìm đường về nhà. Ông mang theo chiếc xe máy rồi lên xe đò về Cần Thơ.

Tác giả: Phạm Tâm – Hà Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok