Thế giới

Dàn vũ khí đối phó tên lửa Trung Quốc của Mỹ

Để đối phó với các tên lửa giá rẻ, số lượng lớn của Trung Quốc, quân đội Mỹ hướng tới những vũ khí hiện đại như súng laser và pháo điện từ.

Tên lửa SM-3 phóng từ khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis Mỹ. Ảnh: US Navy


Dù quân đội Mỹ sở hữu hơn 8.700 máy bay và 273 tàu chiến triển khai khắp thế giới, các căn cứ hải quân và không quân lớn trên biển và trên đất liền của họ dễ bị đánh phủ đầu và tiêu diệt bởi các vũ khí dẫn đường chính xác trong một cuộc chiến tranh cục bộ giới hạn, theo National Interest.

Hải quân Mỹ không thể hy vọng tàu chiến của họ sống sót nếu bị lượng lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong biên chế hiện nay của Trung Quốc tấn công.

"Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc cho rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay nhằm vào các căn cứ và lực lượng Mỹ sẽ không xảy ra hoặc lực lượng phòng thủ hạn chế của họ có thể đối phó được. Nhưng những quan niệm như vậy không còn đúng nữa", Mark Gunzinger và Bryan Clark, hai nhà phân tích từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, nói.

Theo Robert Bechkhusen, chuyên gia phân tích quốc phòng của I, Nga, Trung Quốc và Iran đã đầu tư lớn để phát triển các tên lửa nhắm vào căn cứ Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, nước đang sản xuất với số lượng rất lớn các tên lửa tầm xa có chi phí thấp.

Trong khi đó, Mỹ có rất ít lựa chọn để bảo vệ các căn cứ nằm rải rác trên các hòn đảo ở Tây Thái Bình Dương, khác với các cụm căn cứ tập trung dễ phòng thủ ở châu Âu và Trung Đông.

Bắc Kinh đã đưa vào biên chế hàng nghìn tên lửa hành trình và hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể tấn công các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc, đảo Okinawa của Nhật Bản và đảo Guam ở Thái Bình Dương. Không quân Mỹ đã triển khai các khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot đến Tây Thái Bình Dương, nhưng mục tiêu mà hệ thống này nhắm đến chỉ là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot không có cơ hội nếu như Trung Quốc dùng tên lửa tấn công dồn dập và ồ ạt vào các căn cứ Mỹ. Các tàu mặt nước Mỹ cũng phải đối mặt mối đe dọa tương tự. Theo Beckhusen, các hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình trên tàu chiến Mỹ như Aegis cùng các tên lửa phòng không như Sea Sparrow, SM-2, Sm-3 và SM-6 khó có thể đánh chặn được toàn bộ những tên lửa đang lao tới.

Một khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị khoảng trên 90 tên lửa phòng không nhưng không hẳn mọi tên lửa này đều bắn trúng mục tiêu. Theo các chuyên gia ước tính, đối thủ có thể dùng 32 tên lửa diệt hạm giá trị chưa đến 100 triệu USD để buộc tàu Mỹ phải sử dụng hết số tên lửa SM-6 trị giá 300 triệu USD và chỉ có tỷ lệ bảo vệ thành công ở mức 70%.

Đó là chưa tính tới giá trị khoảng 2 tỷ USD của khu trục hạm. Một tên lửa của đối phương bắn trúng có thể khiến tàu chìm, hư hỏng, hoặc mất khả năng chiến đấu trong vài tuần hoặc vài tháng. Dù tàu sống sót thì nó vẫn phải trở lại cảng để tái trang bị. Tất cả điều đó cho thấy chiến lược của Trung Quốc nếu hiệu quả có thể làm suy yếu hải quân Mỹ.

Các tên lửa của Trung Quốc ngày càng thông minh hơn. Đặc biệt, sát thủ diệt hạm YJ-18 của nước này rất nguy hiểm. Mới chỉ được biên chế vài năm gần đây, YJ-18 có thể bay quãng đường gần 467 km với vận tốc xấp xỉ Mach 0,8. Khi tiếp cận mục tiêu trong tầm phòng thủ của vũ khí tàu đối phương, nó tăng tốc lên Mach 2,5 khiến hệ thống phòng thủ rất khó bám bắt và phá hủy.

Theo các chuyên gia phân tích, công nghệ tàng hình và học thuyết quân sự Mỹ không thể bù đắp được lợi thế giá rẻ và số lượng lớn của tên lửa đối phương, khiến Lầu Năm Góc phải cân nhắc những nguy cơ tổn thất trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột kéo dài nhiều giờ trong tương lai.

Một giải pháp khắc phục điểm yếu này có thể là các vũ khí của tương lai như súng laser, pháo điện từ vốn có khả năng tấn công nhiều tên lửa đang bay tới trong phạm vi tương đối gần.

Mỹ thử pháo điện từ hồi năm 2008. Ảnh: US Navy


Các chuyên gia Mỹ cho rằng, các căn cứ phân tán của Mỹ cần gia cố khi cần để buộc Trung Quốc sử dụng nhiều tên lửa, tốn kém và tốn nhiều vũ khí tầm xa hơn. Để tấn công các bệ phóng tên lửa trước khi nó khai hỏa, Mỹ cần sử dụng nhiều máy bay không người lái (UAV) và oanh tạc cơ tàng hình như B-21 xâm nhập khu vực phòng không của Trung Quốc và tung đòn phủ đầu.

Mỹ cũng không phải từ bỏ các tên lửa phòng không mà chỉ không thể dựa vào các biến thể tầm xa và đắt đỏ hơn. Việc phát triển các vũ khí điện từ sẽ rất tốn kém, khoảng hàng chục triệu USD mỗi đơn vị vũ khí, vì thế nó sẽ không phổ biến bằng các vũ khí laser, vũ khí vi sóng năng lượng cao và các tên lửa tầm ngắn, tầm trung có thể khai hỏa đồng loạt.

Trong trường hợp tên lửa địch vượt qua được các vũ khí này, các tàu chiến hải quân Mỹ vẫn còn các vũ khí tầm gần như pháo bắn cực nhanh Phalax để hạ tên lửa trước khi nó bắn trúng nhưng đây là giải pháp cuối cùng.

Mỹ cũng có thể kết nối mạng toàn bộ các vũ khí tầm ngắn với các pháo điện từ để tạo thành mạng lưới gồm nhiều tên lửa nhắm vào các mục tiêu ở tầm trung hơn.

Dù vậy, các tên lửa Trung Quốc đối đầu với UAV, vũ khí laser và pháo điện từ Mỹ sẽ không thể biết vũ khí nào giành chiến thắng, trừ khi một cuộc chiến thực sự nổ ra, ông Beckhusen nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Duy Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok