Kinh tế

Dân Việt Việt ham làm đẹp: Đại gia ngoại hốt bạc tỷ USD

Một công ty của Hàn vừa chốt hợp đồng hơn 3 tỷ một chiếc máy của ngành nha khoa. Với nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người Việt, ngành công nghiệp thiết bị y tế đang phát triển mạnh.

Nam nữ ngày càng ham làm đẹp

Đại diện công ty Hàn Quốc trên chia sẻ, Việt Nam đang là một thị trường mới, với sự thu nhập của người dân ngày càng tăng, dân số trẻ, nhu cầu làm đẹp cũng khá phát triển. Các phòng khám, chăm sóc răng, spa làm đẹp đua nhau mọc lên ở các thành phố lớn. Phẫu thuật thẩm mỹ và ngành công nghệ làm đẹp đã và đang là một trong những ngành dịch vụ thu hút khách hàng.

Đây chính là tiềm năng của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc mua bán thiết bị. Công ty này đang tìm kiếm các đối tác trong nước và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để xuất thiết bị y tế, chăm sóc sắc đẹp sang Việt Nam.

Thiết bị phòng spa, phòng khám triệu đô

Nguyên nhân chính là thị trường Việt Nam có nét tương đồng giống Hàn Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa, thời trang, phim ảnh Hàn. Các cuộc tìm kiếm cơ hội kinh doanh với đối tác Việt Nam cho thấy, số lượng công ty Hàn Quốc chiếm đông đảo.

Mới đây, 25 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia một hội chợ xúc tiến thương mại tại Hà Nội, với mong muốn giới thiệu các thiết bị nha khoa, nhãn khoa, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng,....

Các tập đoàn lớn của Đức, Nhật, Nga, Malaysia, Singapore, Anh, Mỹ cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam. Khối các nhà thầu, bệnh viện công tư, doanh nghiệp cá nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh đang là đối tác mà họ cần tìm kiếm nhằm cung cấp các sản phẩm như dụng cụ chỉnh hình, điện tiêm, cứu thương, làm đẹp,...

Nhiều công ty như Terumo, Sonion, và United Healthcare đã chuyển nhà máy từ các nước khác về Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Thực tế, nhu cầu làm đẹp của giới nhà giàu ngày càng tăng cao. Một trào lưu mới xuất hiện trong 1, 2 năm vừa qua, được du nhập từ Thái Lan, phương pháp chăm sóc da bằng vàng khiến các đại gia nhất là phái nữ thi nhau lựa chọn. Hay không ít giám đốc chi hàng trăm triệu đập cả hàm răng thay mới.

Yoon Hyun Jun, Giám đốc công ty chuyên về thiết bị nha khoa chia sẻ, ngành nha khoa đang phát triển và bùng nổ tại Việt Nam. Công ty này đang giới thiệu một loạt các thiết bị, kỹ thuật mới, trong đó có thế mạnh về cấy ghép nha khoa.

“Không chỉ phụ nữ, mà đàn ông ngày nay cũng có nhu cầu làm đẹp. Ngoại hình giúp cho họ tự tin trong kinh doanh và gao tiếp, thu hút đối tác, hiệu quả công việc cao hơn ”, ông chia sẻ.

Tuy số lượng doanh nghiệp y tế, dược phẩm nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường 92 triệu dân này. Thực tế, hệ thống y tế công cộng của Việt Nam vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM thường xuyên trong tình trạng quá tải và có bệnh viện phải hoạt động 200% công suất trong giờ cao điểm.

Ngành chăm sóc sức khỏe cá nhân công nghệ cao thu hút giới nhà giàu

Doanh thu triệu đô

Tính đến năm 2015, đã có 200 bệnh viện tư được thành lập phục vụ chủ yếu cho tầng lớp trung lưu và là sự lựa chọn lý tưởng cho những cá nhân có thể đáp ứng chi phí khám chữa bệnh cao. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của khối bệnh viên tư đạt mức ấn tượng 18,6% trong giai đoạn 2011-2014. Đây là cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế và dược phẩm.

Theo thống kê, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế tại Việt Nam ước tính hiện vào khoảng 800 triệu USD/năm. Con số này có thể đạt tới 1,2 tỷ USD vào năm 2016 và nâng lên 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt khoảng 18-20%./năm.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và ngành dược, thiết bị y tế thuộc nhóm các ngành hấp dẫn nhất hiện nay.

Nhu cầu đầu tư thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu xét nghiệm chuyên sâu,... Hiện có khoảng 90% trang thiết bị y tế là nhập khẩu, trong đó các quốc gia cung cấp chủ yếu trang thiết bị y tế cho Việt Nam là Nhật, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu thiết bị y tế của Việt Nam.

Tính đến thời điểm năm 2015, các nhà sản xuất nội địa mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho các vật tư y tế cơ bản như giường bệnh hay các thiết bị sử dụng một lần.

Ipsos Business Consulting nhận định triển vọng phát triển của ngành thiết bị y tế Việt Nam là rất khả quan. Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên cùng với sự gia tăng dân số thuộc nhóm tuổi 60-79 sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế trong tương lai.

Về khía cạnh sản xuất, kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO năm 2007, làn sóng các công ty thiết bị y tế đầu tư vào Việt Nam vẫn gia tăng. Việt Nam tích cực đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa các cơ sở và thiết bị y tế công ở các tỉnh thành phố lớn và địa phương để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải.

Tác giả bài viết: D.Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok