Trong tỉnh

Dân nuôi ngao khốn khổ vì tàu hút cát... hút cả ngao

Nhiều hộ dân ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phản ảnh đến cơ quan chức năng về việc nhiều tàu hút cát xâm nhập trái phép vào bãi nuôi ngao của các hộ hút trộm cát và cả ngao giống lên tàu cát.

Hàng chục tàu, sà lan tham gia hút cát hàng ngày tại dự án nạo vét sông Lạch Trường.

Hút cát hút luôn ngao

Theo nhiều người dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc phản ánh thời gian qua bị các tàu hút cát thường lợi dụng lúc không có người dân trông coi hoặc lợi dụng đêm tối vào bãi nuôi ngao của các hộ dân hút trộm cát.

Bà Đặng Thị Tâm (trú ở thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) cho biết: “Việc hút cát gây ảnh hưởng đến bãi ngao vì nó sạt lở cát và ngao trôi từ trên cao xuống thấp sâu, không chỉ hút mỗi cát mà ngao cũng bị hút lên các tàu cát luôn.

Hiện tại cái đất vùng triều bọn tôi đang được giữ, nếu mà nhà nước có dự án nạo vét luồng lạch thì phải đưa chúng tôi ra xã gặp gỡ rồi cho chúng tôi 5-10 ngày để chúng tôi khai thác ngao sống, đồng thời thu dọn lều trả lại đất cho nhà nước để nạo vét luồng lạch".

Các hộ dân cho rằng việc các tàu tham gia dự án hút cát gây sụt lún bãi ngao, mất ngao của dân.

Còn anh Vũ Văn Hiều (trú ở thôn Tân Lộc) cho hay: “Quá trình chúng tôi đấu thầu là bãi bùn cạn, nhưng thực tế đến bây giờ bãi của gia đình tôi đã lút quá đầu người 2,5-3m nước rồi; có nghĩa là mình không khai thác, nuôi trồng được ngao ở diện tích 5000m2 này nữa”.

Cũng tương tự như nhà anh Hiều, gia đình chị Vũ Thị Hạnh (trú ở thôn Lộc Tiên) có 1,3ha nuôi ngao nhưng đến nay do hút cát, bãi tụt xuống sâu nên việc nuôi ngao không còn hiệu quả nữa.

“Gia đình tôi cắm sổ đỏ vay ngân hàng để nuôi ngao nhưng nay vừa ảnh hưởng của bão lụt và hút cát khiến cho việc nuôi ngao gặp nhiều khó khăn hơn, hiệu quả kinh tế không được cao” - chị Hạnh lo lắng.

Khu vực bãi nuôi ngao của các hộ dân giáp ranh với khu vực dự án nạo vét sông Lạch Trường

Điển hình như tối ngày 27/3, người dân đã bắt quả tang một tàu đang hút cát trái phép trên diện tích bãi nuôi ngao của các hộ dân và đã trình báo cơ quan chức năng để đưa tàu cát về Đồn Biên phòng Đa Lộc giải quyết.

Theo người dân phản ánh thì đa số tàu hút cát tại khu vực này hầu như không có số hiệu, không có bảng tên công ty thi công dự án nạo vét luồng lạch, cũng như bảng địa điểm được phép nạo vét.

Có những ngày có hàng chục tàu, thuyền tham gia hút cát tại cửa sông Lạch Trường giáp ranh giữa khu vực biển Hoằng Hóa và huyện Hậu Lộc.

Người dân không biết các tàu hút cát này có phải của dự án không?

Không có hiện trường ban đầu

Liên quan đến việc người dân bắt được 1 tàu hút cát trộm trong đêm và bàn giao cho lực lượng Biên phòng, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tý - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc.

Ông Tý cho biết: “Đã tiếp nhận giấy của nhân dân gửi lên về vấn đề tàu hút cát, tôi có báo cáo huyện và Đồn Biên phòng cử cán bộ cùng Biên phòng xuống đưa tàu cát về đồn”.

Khi được hỏi về vấn đề hiện tại vẫn đang có nhiều tàu đang hút cát mà không biết tàu trong dự án hay ngoài dự án? (dự án nạo vét sông Lạch Trường giáp ranh giữa 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa - PV) thì ông Tý cho hay: “Thực tế xã không nắm được cái này vì từ mép nước trở ra là Đồn Biên phòng quản lý theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Luyến - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc cho biết, đơn vị đang tạm giữ phương tiện được cho là tàu hút cát trộm của dân và mời các bên có liên quan đến làm việc.

Một số người dân ở xã Hải Lộc có phát hiện và giữ phương tiện tàu cát đang nạo hút ở cửa Lạch Trường và báo chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng. Sau khi nắm được thông tin chúng tôi cử lực lượng ra hiện trường tiếp cận phương tiện cùng với chính quyền địa phương lập biên bản sự việc, Ông Luyến cho biết.

Việc hút cát khiến bãi tụt xuống sâu nên việc nuôi ngao của người dân không còn hiệu quả.

Cũng theo ông Luyến: “Qua báo cáo của các hộ gia đình là phương tiện này có hút vào các bãi đang nuôi ngao của các hộ trên, sau khi ra hiện trường nhưng vì là sông nước nên không có hiện trường ban đầu.

Hiện nay giữa chủ phương tiện và các hộ dân đang có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, người dân thì cho rằng tàu hút cát trong bãi nuôi ngao, chủ phương tiện thì bảo hút ở bên ngoài luồng. Các chủ phương tiện này chạy thuyền của họ ra ép và lái tàu hút cát vào trong bãi. Vì ngoài đó không có hiện trường nên việc kiểm tra hết sức khó khăn.

Sau khi kiểm tra, lập biên bản, lực lượng Biên phòng đã đưa tàu về Lạch Sung để tiến hành điều tra và hiện chúng tôi đã lấy lời khai của 2 bên cũng như đơn vị trực tiếp nhận hợp đồng nạo vét, chủ tàu và các hộ dân làm việc”.

“Công ty nạo vét cũng muốn thuê lại 6 hộ này với giá 5 triệu đồng/tháng để giúp cho công ty việc tự quản lý các bãi ngao của mình” - ông Luyến nói.

Tác giả: Nam Trần

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok