Mới đây có ý kiến cho rằng, đàn ông ngoại tình vì một chữ Sướng, đàn bà ngoại tình vì một chữ Đau. Là người có nhiều thời gian tiếp cận trao đổi và tư vấn với khách hàng là những người phụ nữ ngoại tình, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất thấy rằng ý kiến trên rất đúng với thực tế đời sống.
Chị Hoa công tác tại một đơn vị trong lực lượng an ninh quốc phòng ở Hà Nội. Anh Huân, chồng chị cũng là cán bộ công chức nhà nước. Vợ chồng họ lấy nhau cách đây 10 năm, hiện đã có hai mặt con. Họ tự đến với nhau, tự do lựa chọn, nhưng cưới nhau chẳng được bao lâu thì tình cảm vợ chồng đi vào ngõ cụt.
Anh Huân mặc dù cũng tốt nghiệp đại học, sống và làm việc ở thành phố nhưng lối sống của anh mang nặng tính cách gia trưởng. Trong suy nghĩ của anh, “người chồng” phải là cái “nóc nhà” theo cái nghĩa cao nhất, quyền lực nhất. Vợ không được phép lấn lướt chồng. Trong nhà, chồng nói gì là vợ phải nghe, dù đúng dù sai cũng không được “cãi”.
Phụ nữ tìm cách vá víu nỗi đau của mình bằng cách tìm kiếm một bờ vai khác (Ảnh minh họa) |
Chính vì cứng nhắc trong suy nghĩ nên mối quan hệ vợ chồng anh Huân không tìm được tiếng nói chung. Vợ chồng họ, ngày đi làm, tối về là cảnh vợ lụi cụi cơm nước. Kết thúc bữa tối, anh Huân nằm nghỉ ngơi xem ti vi, có khi là bật máy tính còn chị Hoa tiếp tục vai trò “nội trợ” của mình bằng việc dọn dẹp bàn ăn, bếp núc, rửa bát, lau nhà, con cái…Cảnh “vua - tôi” như vậy diễn ra trong gia đình chị Hoa suốt 10 năm nay.
Chị Hoa “phải” một mình đảm đương vai trò “nội trợ” như vậy từ ngày chị mới mang thai đứa con thứ nhất cho đến nay. Thực tế là ngay sau khi cưới, cũng chỉ một mình chị Hoa đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp. Nhưng vì mới chung sống, tình cảm còn tràn trề, có sức khỏe lại chưa vướng bận con cái nên việc đi làm về rồi vào bếp nấu cơm dọn dẹp không làm cho chị Hoa cảm thấy mệt mỏi. Chỉ khi mang bầu, có những lúc mệt, đi làm về muốn được nghỉ ngơi nhưng anh Huân lại không đỡ đần chia sẻ việc nhà thì lúc đó chị mới bắt đầu cảm thấy sự phi lý nơi chồng.
Vì chưa từng trải, chưa có kinh nghiệm trong hôn nhân nên chị Hoa cũng chỉ biết đòi hỏi quyền lợi và ứng xử theo bản năng vui buồn hờn giận của mình. Trong khi, với một người chồng mang nặng tư tưởng gia trưởng như anh Huân thì chị Hoa cần phải cơ mưu và phải thật “cao thủ” mới có thể thay đổi được tình hình.
Đòi hỏi, yêu cầu, trách cứ, hờn giận… mãi rồi cũng chán, chị Hoa đành “cam phận” với chức phận làm vợ “dưới cửa” chồng. Nhưng ngặt một nỗi, anh Huân lại gia trưởng nửa vời. Đáng lẽ ra khi chia việc “nội trợ” cho vợ thì anh phải đảm nhận vai trò “trụ cột” về tài chính trong gia đình, Nhưng anh Huân lại không đảm nhận được vai trò trụ cột này. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào lương bổng của cả vợ cả chồng nhưng số tiền anh Huân đưa hàng tháng cho chị Hoa không được một nửa số tiền mà chị phải chi cho gia đình.
Không những phải vất vả lo toan đảm nhận một lúc hai vai – nội trợ và kinh tế gia đình mà chị Hoa còn phải đối mặt với nỗi trống trải cô đơn khi hai vợ chồng không tìm thấy tiếng nói chung.
Cuộc sống hôn nhân đối với chị Hoa vì thế cứ đều đặn “một ngày như mọi ngày”, chỉ có làm việc và làm việc. Ngày đi làm ở cơ quan, tối về chăm sóc nhà cửa và con cái. Ở nhà, chồng chị cứ đến giờ là ngồi vào mâm cơm. Hối hả ăn xong lại tạm biệt vợ con trong lặng lẽ để làm bạn với ti vi và máy tính.
Anh Huân chẳng bao giờ chia sẻ rằng hôm nay thế này, hôm nọ thế kia với vợ bao giờ. Anh cũng chẳng biết hỏi han vợ mình lấy một câu. Mỗi khi anh Huân lên tiếng thì đó là những lời ra lệnh, chỉ bảo hoặc chê trách. Cuộc sống gia đình vì thế đối với chị Hoa lâu dần như “sao quả tạ” chiếu thẳng vào tâm can và khối óc chị.
Ý định ly hôn vì thế cũng thường trực trong đầu chị. Nhưng ý nghĩ đó đến rồi lại đi không biết bao nhiêu lần. Ngày có bầu, mỗi khi nghĩ đến ly hôn chị lại thương con sinh ra không có bố. Khi đứa con đầu lòng ra đời, mỗi khi có ý định ly hôn, nhìn đứa con bé bỏng chị lại thôi. Cứ như vậy, càng giãy giụa thì dường như chị càng bị buộc chặt vào cuộc hôn nhân nhiều nước mắt hơn nụ cười của mình.
Mặc dù cam phận với cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc thế nhưng tình cảm con người lại là thứ khó điều chỉnh nhất, khó cam chịu nhất. Trong khi chị Hoa dường như bị chồng “bỏ rơi” về mặt tình cảm, tinh thần thì có một người đồng nghiệp ít tuổi hơn lại rất quan tâm đến chị.
Chị Hoa sinh năm 1977, người đồng nghiệp này tên là Trung, sinh năm 1979. Trung rất tâm lý, khéo ăn khéo nói và rất biết quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu. Lúc đầu họ là chị em bạn bè đồng nghiệp bình thường, nhưng khi Trung tỏ ra yêu thương mình, chị Hoa đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của cái gọi là tình yêu.
Chị Hoa đón nhận tình cảm của Trung như ruộng hạn đón mưa. Và đó là con đường dẫn đến việc chị ngoại tình.
Có ý kiến cho rằng, khác với việc đàn ông ngoại tình vì sự ham muốn ích kỷ thì đàn bà ngoại tình lại bởi một chữ Đau. Đàn bà ngoại tình cũng không phải vì sự lăng loàn hay dễ dãi như sự kỳ thị của người đời mà họ ngoại tình bởi khi lòng dạ của họ đã tan nát, khi niềm tin nơi người chồng đã đổ vỡ hoàn toàn. Thế nên chỉ có những người đàn bà sống với những người chồng tệ bạc mới thấu hiểu nỗi đau và sự cô đơn của người vợ.
Đàn bà đã từng yêu, đã từng tin, từng hy vọng về một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhiều người đàn bà đã cố gắng níu kéo, cố gắng đến cạn sức mình để mong nhận lại một chút hơi ấm của gia đình. Nhưng đau đớn lắm khi những cố gắng và hi sinh chỉ nhận về nỗi đau. Và họ đã tìm cách vá víu nỗi đau của mình bằng cách tìm kiếm một bờ vai khác. Họ đã ngoại tình như thế.
Tác giả: Ngân Khánh
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội