Giải trí

Đam mê cải lương của cậu bé miền Tây sống xa mẹ từ nhỏ

Từng khiến Hoài Linh bật khóc khi nghe hát, Quách Phú Thành là thí sinh ấn tượng của "Thử tài siêu nhí" nhờ giọng hát ngọt ngào và hoàn cảnh đáng thương.

Phú Thành gây chú ý ở cuộc thi tài năng nhí ngay từ vòng đầu bởi khả năng hát cải lương, vọng cổ mùi mẫn. Tiết mục Nội tôi kể về hoàn cảnh thật của thí sinh từng lấy nước mắt của khán giả lẫn giám khảo. Nghệ sĩ Hoài Linh phải thốt lên: "Chỉ cần hát hai câu hò, con đã chinh phục được chú". Trên YouTube, nhiều tiết mục của thí sinh nhí này đạt hàng triệu lượt xem cùng bình luận tích cực.

Phú Thành diễn "Nội tôi" trong tập 13 "Thử tài siêu nhí".

Ngoài giọng hát, cậu bé 11 tuổi còn được khán giả nhớ đến với gia cảnh đặc biệt. Thành sinh ra tại một xóm nghèo ở Cần Thơ. Khi cậu bé 14 tháng tuổi, mẹ Thành làm đơn ly dị chồng, giao con cho bà nội rồi bỏ đi. Cuộc sống khó khăn nên cha Thành phải đi làm ăn xa. Cậu lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội, thiếu hẳn sự chăm sóc của cha mẹ.

Ký ức về thuở bé của Thành là những giấc ngủ vật vờ trên lưng bà, nghe những điệu hò phát ra từ đầu đĩa trong nhà. Niềm đam mê cải lương nhen nhóm từ lúc bốn tuổi, khi Thành nghe các giọng ca bất hủ như Minh Vương, Lệ Thủy, Trọng Phúc qua những đĩa CD trầy xước, tiếng được tiếng mất. Không được đi học mẫu giáo, thuở ấy, Thành còn chưa biết mặt chữ nhưng chỉ cần nghe cải lương vài lần là thuộc nằm lòng.

Nhạc phẩm đầu tiên Thành có thể hát trọn vẹn là bài Anh đi xa cách quê nghèo của nghệ sĩ Lệ Thủy. Lớn thêm tí nữa, cậu đã có thể nhập vai Nguyễn Trãi của Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương trong vở Rạng ngọc Côn Sơn. Khi biết ráp vần, Thành tự mở đĩa, ghi lại lời các trích đoạn cải lương và ê a tập hát. Cậu bé mê sân khấu đến mức lấy giấy báo làm áo bào, bìa các-tông làm kiếm rồi diễn vai vua chúa. Chất giọng non nớt của đứa bé năm, sáu tuổi khiến bà nội Thành vừa buồn cười, vừa nhận ra tố chất của cháu.

Ở ngoài đời, Phú Thành thu hút người đối diện với vẻ lanh lẹ và gương mặt thông minh. Ảnh: M.N.

Lên cấp một, Thành xông xáo tham gia vào nhiều tiết mục văn nghệ của trường. Cậu bé được góp giọng vào các dịp như khai giảng, lễ chào cờ... Tình cờ, một cán bộ văn hóa ở phường - là mẹ nuôi của Thành sau này - nghe Thành hát cải lương, rồi tìm đến gia đình thuyết phục cho cậu bé đi thử giọng ở câu lạc bộ tài tử của phường. Sau khi nghe Thành hát thử một điệu Nam ai, chị đã tấm tắc khen ngợi và quyết định đưa bé tham gia một cuộc thi cải lương ở quận Bình Thủy, Cần Thơ. Kể từ đó, Thành được rèn luyện kỹ thuật hát. Đầu năm 2016, Thành được mẹ nuôi đăng ký dự tuyển Thử tài siêu nhí ở Cần Thơ.

Càng vào sâu cuộc thi, Thành càng chứng tỏ mình là một trong những thí sinh tiềm năng. Với sự huấn luyện của Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc, cậu bé thể hiện khả năng ca cải lương và diễn xuất qua các tiết mục như Tám câu Nam ai vọng cổ, Biển trời nghĩa mẹ tình cha, Em bé đánh giày... Thành được ông Năm (tên gọi thân mật của Hữu Quốc) chỉ dẫn trong từng cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy.

Phú Thành hát với "ông Năm" Hữu Quốc trong tiết mục "Cha con người hát rong".

Kỷ niệm nhớ nhất khi đi thi của Thành là lúc được bà nội tiết lộ sự thật về mẹ. Gia đình vốn giấu chuyện cậu bị mẹ bỏ rơi, chỉ nói cho biết rằng mẹ đi Mỹ. Khi đăng ký thi, đến phần kê khai lý lịch, bà nội mới kể lại sự thật cho cháu nghe và hỏi cậu bé có buồn không. Thành ôm bà nội và nói: "Con chỉ khóc vì thương bà nội khổ cực nuôi con từ nhỏ". Khi bà nội hỏi có muốn đi tìm mẹ, Thành trả lời: "Giờ con chỉ muốn học thật giỏi, hát thật hay để sau này đi làm có tiền, phụ đáp công lao nuôi nấng của ông bà nội và cha".

Ba tháng trời đưa Thành lên TP HCM tham gia chương trình, người bà phải tạm bỏ nghề bán trái cây ở quê. Nghe Thành thủ thỉ: "Nội ráng cho con đi thi hát đến cuối luôn nha nội, tại con lỡ mê quá", bà tự nhủ dù cạn tiền cũng phải xoay sở để giúp đứa cháu được một lần đứng trên sân khấu lớn.

* Phú Thành hát mộc trích đoạn "Nội tôi":

Quách Phú Thành là một trong năm thí sinh sẽ có mặt vào đêm chung kết 10/9 của Thử tài siêu nhí. Cậu bé được thầy Hữu Quốc dồn hết tâm trí vào phần thi cuối cùng bằng một ca khúc cải lương. Với Thành, kết quả thắng thua không quan trọng, bởi cậu đã được ông Năm hướng theo con đường trở thành nghệ sĩ cải lương.

Sau cuộc thi, ngoài việc rèn kỹ thuật hát do nghệ sĩ Hữu Quốc truyền dạy, Phú Thành sẽ tiếp tục học văn hóa. Cậu bé luôn ghi nhớ lời nhắn nhủ của ông Năm: "Hát gì thì hát, phải ưu tiên học cái chữ, học làm người đầu tiên".

Tác giả bài viết: Mai Nhật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok