Bị các cảnh sát trật tự (CSTT) ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá tạm giữ xe máy và chở về trụ sở, nam thanh niên (tạm gọi là H) phản ứng quyết liệt.
Anh ta giữ đuôi xe lại, không cho các CSTT đưa đi và nói rằng: “Xe của em”. Song khi cảnh sát trật tự hỏi: “Giấy đăng ký đâu?” thì H không có và đưa ra được. Bạn của H, chàng trai mặc áo màu mận (tạm gọi là M) cũng cố bám lấy xe máy nhưng bất thành.
Như vậy, H bị CSTT tạm giữ xe máy vì không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Trên xe tải công vụ treo băng rôn “Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè” nên có khả năng trước đó H bị CSTT dòm ngó vì đậu xe lấn chiếm lòng đường hay vỉa hè.
Do chống đối người thi hành công cụ nên H bị khống chế từ phía sau và định đưa về trụ sở công an cùng xe máy.
Lúc này có người đứng gần đó nói công an đánh H.
Sau đó xuất hiện nam thanh niên áo trắng (tạm gọi là T) vừa cố gắng giải cứu H vừa cầm ĐTDĐ quay lại vụ việc, rồi nói cảnh sát bắt người.
Nam thanh niên áo trắng quay clip CSTT khống chế bạn... |
...để rồi bị bắt và đưa về trụ sở công an |
2 CSTT đi tới khống chế T và một người nói: “Tao bắt đi luôn. Mày thách thức tao hả?”.
T ngồi rạp xuống đất, khóc và kêu cứu. Cùng thời điểm, các CSTT cố gắng đẩy H lên xe công vụ.
Thấy cảnh này, đám đông đi tới phía sau xe, hô lớn “Bắt xe chứ không được bắt người”, đề nghị thả H và T, gây nên tình trạng hỗn loạn.
Các CSTT hơi hoang mang trước phản ứng của đông đảo người dân. Ruốt cuộc T vẫn bị đưa về trụ sở công an, trong khi H lại thoát thân.
Đám đông đề nghị CSTT thả người. |
Người dân có được quay phim, chụp hình, giám sát CSGT và CSGT làm việc? Luật pháp hiện hành không cấm người dân quay phim, chụp ảnh, giám sát lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hay CSTT đang thực hiện nhiệm vụ. Người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, công dân cần lưu ý những trường hợp được coi là bí mật Nhà nước. Những khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình thì người cầm camera hay ĐTDĐ bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền. CSGT hay CSTT đang làm nhiệm vụ đại diện cho Nhà nước để thực thi công vụ, không đứng dưới tư cách cá nhân, không thuộc phạm vi bí mật đời tư. Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, người dân có quyền được giám sát các hoạt động công khai của lực lượng CSGT hay CSTT. Điều 5, Khoản 3 Luật Công an nhân dân quy định: Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, việc quay phim, chụp hình CSGT hay CSTT đang làm nhiệm vụ không bị cấm theo quy định hiện hành. Dù vậy, người dân khi quay phim, chụp hình không được làm ảnh hưởng, cản trở công việc của lực lượng chức năng; tuân thủ điều kiện về việc sử dụng các loại thiết bị, phần mềm theo Nghị định 66 về việc kinh doanh và sử dụng các loại các loại thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị của Chính phủ. |
Tác giả: Nhân Hoàng
Nguồn tin: Báo Một thế giới