Ban đầu quyết định tới Việt Nam quay phim hoàn toàn từ phía các nhà làm phim, nhưng họ có liên hệ Đại sứ quán và ngỏ ý cần sự giúp đỡ trong việc kết nối với chính phủ Việt Nam. Ông Ted Osius chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng ý tưởng rất hay nên đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Việt Nam và nhận thấy đây còn là cơ hội thương mại tốt. Dự án sẽ còn đem tới các lợi ích như nguồn khách du lịch, nguồn đầu tư cho Việt Nam và cả sự chú ý của thế giới về một đất nước mở cửa cho các cơ hội hợp tác kinh doanh".
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi chính phủ Việt Nam nhiệt tình giúp đỡ đoàn làm phim trong việc di chuyển, đem theo nhiều trang thiết bị và các tỉnh tạo điều kiện đến địa điểm quay. Mọi người đều sang Việt Nam thuận lợi với mong muốn dự án thành công. Ông hy vọng lần đầu tốt đẹp thì các dự án hợp tác tiếp theo cũng suôn sẻ như vậy.
Theo chia sẻ của đạo diễn phim Kong: Skull Island với Đại sứ Mỹ, Việt Nam có những địa danh tuyệt đẹp và đặc biệt như vịnh Hạ Long, Quảng Bình hay Ninh Bình. Anh không hề muốn làm tổn hại tới vẻ đẹp này một chút nào nên đoàn phim luôn chú ý bảo vệ môi trường trong quá trình làm việc.
Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng bộ phim sẽ có tác động tốt, thu hút nhiều du khách hơn đến với Hạ Long, Quảng Bình, và Ninh Bình, đem về một nguồn lợi cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc cân bằng giữa công tác gìn giữ vẻ đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường. "Khi du khách đổ xô tới những nơi từng làm bối cảnh phim, chính quyền cần nỗ lực hơn trong việc gìn giữ môi trường tự nhiên", ông Ted bày tỏ.
Phim Kong: Skull Island do Jordan Vogt-Roberts làm đạo diễn. Tác phẩm sử dụng ba bối cảnh gồm Hawaii (Mỹ), Australia và Việt Nam. Những bối cảnh ở Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt trong phim, được dùng là quê hương của loài vượn khổng lồ. Đoàn phim đến Việt Nam ngày 18/2 và ngày ghi hình đầu tiên tại Quảng Bình ngày 22/2. Các địa điểm tiếp theo là Ninh Bình và vịnh Hạ Long.
Tác giả bài viết: Vũ Văn Việt - Hương Chi