Chứng khoán Việt mất hơn một tỷ USD trong ngày Anh rời EU
Tin tức trên báo VnExpress, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), giá trị vốn hóa của các cổ phiếu trên sàn đã giảm xuống còn hơn 1,247 triệu tỷ đồng sau phiên giao dịch hôm 24/6, giảm khoảng 22.000 tỷ đồng so với trước. Với con số tương tự hơn 3.000 tỷ đồng trên sàn Hà Nội, tổng cộng đã có 25.000 tỷ đồng vốn hóa "bốc hơi" khỏi 2 sàn (tương đương hơn một tỷ USD) vì hiệu ứng Anh rời EU.
Trong phiên ngày 24/6, có thời điểm Vn-Index đã giảm gần 35 điểm, tương đương toàn thị trường mất hơn 73.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch trên 2 sàn trong phiên đạt gần 6.400 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm 2015 trở lại đây. Dòng tiền bắt đáy ồ ạt đổ vào thị trường cuối phiên song Vn-Index vẫn giảm gần 12 điểm, xuống 620 điểm. Khối ngoại cũng trở lại bán ròng 47 tỷ đồng trong phiên hôm nay sau thời gian dài ở vị thế mua trên thị trường Việt Nam.
Dù chưa có đánh giá chính thức nào về việc Anh rời EU sẽ có tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam song hiệu ứng tâm lý, đám đông đã khiến thị trường thiệt hại nặng. Diễn biến này cũng chấm dứt tham vọng tạo đỉnh của Vn-Index trong những ngày qua. Tuy vậy, vẫn có một số cổ phiểu hưởng lợi từ sự kiện này khi đồng euro giảm giá giúp làm vơi bớt nghĩa vụ vay nợ của những doanh nghiệp như HT1, NT2…
Nhiều đại gia vẫn kiếm bộn
Tin tức trên VTC News, thứ Sáu tuần trước được gọi là “Thứ Sáu đen tối”. Sau khi Brexit được người dân Anh ủng hộ, ngành tài chính, chứng khoán toàn cầu chao đảo. Chứng khoán toàn cầu “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đi xuống nhưng mức độ ảnh hưởng khiêm tốn hơn rất nhiều.
Báo Đất Việt thông tin, giảm mạnh nhất trong ngày hoảng loạn của thị trường chứng khoán Việt chính là các cổ phiếu đại gia. Đa số các cổ phiếu có giá đều lao dốc khiến tài sản của những người giàu nhất thị trường chứng khoán cũng hao hụt mạnh.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) mất hơn 500 tỷ đồng do mỗi cổ phiếu VIC giảm 1.000 đồng.
Người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán là ông chủ Tập đoàn Hòa Phát cũng bị mất 240 tỷ, do giá cổ phiếu HPG giảm 1.300 đồng.Vốn hóa thị trường của Hòa Phát bốc hơi hơn 950 tỷ đồng.
Bầu Đức cũng mất thêm 105 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Cụ thể, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giảm 300 đồng, hiện chỉ còn 7.400 đồng một cổ phiếu.
Đại gia Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát không phải chịu cảnh hao tiền tốn của như nhiều tỷ phú thế giới. Thay vào đó, ông Long nhận thêm 258 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).
Còn tính chung cả tuần, trong khi giới nhà giàu thế giới chịu thiệt hại nặng nề, đại gia Việt vẫn kiếm bộn.
Sau 1 tuần giao dịch đầy thăng trầm, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vẫn tăng 1.400 đồng/CP. HPG được chú ý khi Hòa Phát công bố sản lượng tiêu thụ trong tháng 5. Theo đó, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng gần 134.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 679.424 tấn. Thị phần thép Hòa Phát đạt 20,3%.
Vì vậy, HPG có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Phải đến “Ngày thứ Sáu đen tối”, HPG mới sụt giảm. Đà sụt giảm trong phiên cuối tuần không đủ sức kìm hãm đà tăng của HPG. Chốt tuần, HPG tăng 1.400 đồng/CP lên 38.800 đồng/CP.
HPG tăng mạnh giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát không phải chịu cảnh hao tiền tốn của như nhiều tỷ phú thế giới. Thay vào đó, ông Long nhận thêm 258 tỷ đồng. Ông Long là đại gia Việt kiếm được nhiều nhất trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động.
Số tiền mà gia đình ông Long kiếm được trong tuần qua sẽ nhiều hơn nữa nếu tính cả lượng cổ phiếu trong tài khoản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long. Nhờ HPG, bà Hiền có thêm 75 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch.
Số tiền gia tăng trong tài khoản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động thua xa ông Trần Đình Long nhưng xét về tốc độ tăng trưởng tài sản, ông Tài lại vượt mặt ông Long khi cổ phiếu MWG tăng rất mạnh.
Trong “Ngày Thứ Sáu đen tối”, khi hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, MWG vẫn bứt phá. Tính chung cả tuần, MWG tăng 22.000 đồng/CP lên 122.000 đồng/CP. Nhờ MWG, tài sản của ông Tài tăng 81 tỷ đồng lên 4.494 tỷ đồng. Ông Tài vẫn vững vàng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không tăng mạnh mẽ như MWG trong “Ngày thứ Sáu đen tối” nhưng VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng “vượt bão” thành công. Sau 5 phiên chỉ biết đi lên, VHC tăng 4.700 đồng/CP lên 41.900 đồng/CP. VHC mang về 214 tỷ đồng cho bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
May mắn như MWG và VHC, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu “lội ngược dòng” trong phiên cuối tuần. Vì vậy, chốt tuần, KBC dừng ở mức 15.500 đồng/CP sau khi tăng 1.000 đồng/CP.
Nhờ đó, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có thêm 7 tỷ đồng. Cùng với giá trị cổ phiếu ITA và SGT, giá trị cổ phiếu KBC mang về cho ông Tâm khối tài sản lên đến 1.230 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
FPT đã trải qua chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Thế nhưng, do tăng mạnh trong phiên đầu tuần nên sau 5 phiên giao dịch, FPT của Công ty Cổ phần FPT vẫn duy trì được đà đi lên. Chốt tuần, FPT tăng 500 đồng/CP lên 40.900 đồng/CP.
Chỉ cần tăng nhẹ, cổ phiếu FPT cũng giúp khối tài sản của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT có thêm gần 17 tỷ đồng. Hiện tại, với hơn 1.300 tỷ đồng, ông Bình đứng trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Rung lắc mạnh trong phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần, cổ phiếu KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương khi tăng 1.200 đồng/CP. KDC giúp tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trần Lệ Nguyên,Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Kido có thêm 31 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai