Kinh tế

Đại gia tỷ USD xuất hiện: Giới tỷ phú Việt biến động

Hàng loạt các doanh nghiệp có quy mô vốn tỷ USD dồn dập lên sàn trong thời gian gần đây và xu hướng này còn tiếp diễn. Một loạt các đại gia Việt nổi lên vượt qua những tên tuổi lừng lẫy một thời như Trương Gia Bình, Trầm Bê, Lê Phước Vũ…

Đại gia lộ diện

CTCP Đường Quảng Ngãi (công ty mẹ của sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy) vừa đưa 187,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán QNS. Cổ phiếu đã ngay lập tức tăng kịch trần lên 112.000 đồng/cp, giúp DN này có vốn hóa đạt 1 tỷ USD.

Với tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu lớn, vợ chồng ông Võ Thành Đàng, chủ tịch HĐQT QNS có khối tài sản đạt gần 1,6 ngàn tỷ đồng, soán ngôi vị gia đình giàu có trên thị trường chứng khoán của hàng loạt doanh nhân như: ông Trầm Bê, bà Cao Thị Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Mai Thanh…

Trước đó, ngày 27/10, TTCK Việt Nam xôn xao với hiện tượng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bất ngờ giành ngôi vị tỷ phú USD số 1 Việt Nam từ tay ông Phạm Nhật Vượng trong vòng 1 giờ đồng hồ. Ông Quyết sau đó cũng chiếm giữ vị trí này trong vòng hơn 1 tháng tính từ 11/11.

Nhiều doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD dồn dập xuất hiện.
Sự xuất hiện đầy bất ngờ của tỷ phú USD thứ 2 Việt Nam là nhờ cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros. Cổ phiếu của DN này niêm yết trên TTCK từ đầu 9/2016 và tăng giá một mạch từ 10.500 đồng/cp có lúc lên tới 127.000 đồng/cp, nâng tổng giá trị của 430 triệu cổ phiếu Faros tăng vọt lên hơn 54 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ USD.

Ông Quyết nắm giữ gần 280 triệu cổ phiếu ROS, tương đương hơn 65% cổ phần DN này, có giá trị tính theo giá cổ phiếu lúc cao nhất lên tới 35,5 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD), vượt qua cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng, qua mặt cả doanh nhân nổi tiếng Trần Đình Long, chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Sắp tới, các vị trí trên bảng xếp hạng cá nhân và gia đình giàu có trên TTCK có thể sẽ còn thay đổi khi mà hàng loạt DN lớn lên sàn. Gần nhất, TTCK có thể đón nhận nữ tỷ phú USD đầu tiên bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO hãng hàng không VietJet Air với khối tài sản được Reuters đánh giá lên tới gần 1 tỷ USD.

Sự xuất hiện của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa), DN thâu tóm cổ phiếu VCS của CTCP Đá thạch anh cao cấp VCS - Vicostone cũng hé lộ một doanh nhân có thể lọt top 10 người giàu nhất trên sàn: ông Hồ Xuân Năng.

Ông Hồ Xuân Năng là chủ tịch HĐQT Vicostone và là chủ sở hữu toàn phần Phenikaa. Phenikaa trong khi đó sở hữu gần 73% vốn Vicostone. Tổng cộng nhà ông Năng năm giữ khoảng 45 triệu cổ phiếu VCS, trị giá 6 ngàn tỷ đồng.

Hàng chục tỷ USD chào sàn

Gần đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hơn 216 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Banacab), trị giá hơn 2.160 tỷ đồng theo mệnh giá.

Nhiều gương mặt doanh nhân mới.
Nếu với những diễn biến tăng giá dữ dội gấp 5-7, thậm chí cả chục lần so với mệnh giá của các cổ phiếu lên sàn gần đây thì vốn hóa của Banacab cũng có thể lên tới cả tỷ USD. Ông Lê Viết Lam, người nắm giữ phần lớn cổ phiếu tại DN này sẽ nằm trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Ngoài Banacab, ông Lam còn có nhiều dự án và DN lớn thuộc DN chưa lên sàn như SunGroup.

Sau một tháng lên sàn UPCOM, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã tăng khá nhanh. Tính tới 20/12, gần 2,2 tỷ cổ phiếu của DN này có vốn hóa thị trường lên tới 4,8 tỷ USD. Đây là một nguồn cung hàng lớn cho TTCK.

Sắp tới, Vietnam Airlines, Petrolimex… cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Đây đều là những DN có quy mô lớn cùng với Sabeco, Habeco, Vinamilk… có thể trở thành những DN “tỷ USD” dẫn dắt TTCK.

Riêng Sabeco hiện đang niêm yết hơn 640 triệu cổ phiếu SAB. DN này có vốn hóa khoảng trên 6 tỷ USD. Habeco sắp chuyển san sàn HOSE và hiện có vốn hóa khoảng 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, Petrolimex cũng có thể đạt quy mô tương tự.

Theo kế hoạch, một loạt các NHTMCP cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới. Hàng loạt đại gia NH sẽ sớm gia nhập danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Ở mảng BĐS, Novaland có vốn hóa ước tính khoảng 1,2 tỷ USD cũng sắp ra mắt giới đầu tư.

Trong một thời gian rất ngắn, TTCK Việt Nam bùng nổ về mặt quy mô. Hàng loạt các doanh nhân giàu có bất ngờ xuất hiện với khối tài sản lớn, vượt xa so với những tên tuổi lững lẫy một thời như Trầm Bê, Cao Thị Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Mai Thanh…

Với tốc độ DN lớn lên sàn dồn dập như thời gian vừa qua, rất có thể trong một thời gian ngắn nữa, TTCK sẽ đón nhận tỷ phú USD thứ 3. Có nhiều đại gia Việt hiện được đánh giá có khối tài sản khổng lồ nhưng chưa mặn mà đưa cổ phiếu lên sàn.

Tuy nhiên, xu hướng chung các DN sẽ tham gia vào một thị trường vốn trong một khu vực được đánh giá là năng động nhất thế giới. Nhiều cái tên như Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG), Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát), Trần Bá Dương (Thaco), Nguyễn Xuân Trường, Vũ Văn Tiền (Geleximco)… có thể sẽ góp phần kéo dài danh sách giới siêu giàu Việt.

Những cái tên như Trầm Bê, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Mai Thanh hay ngay cả Trương Gia Bình… rất có thể sẽ bị chìm trước những cái tên mới, ông chủ của các DN tỷ USD mới trên sàn. DN trong thời đại mới có thể sẽ phát triển về quy mô rất nhanh và cũng có thể xuống dốc nhanh chóng.

Tác giả bài viết: M. Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok